Bảo tồn và phát triển văn hóa Quảng Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Cập nhật: 04/04/2013
Ngày 3/4, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam đã tổ chức Hội thảo "Bảo tồn và phát triển văn hóa Quảng Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa". Đồng chí Nguyễn Văn Sỹ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã đến dự và chỉ đạo Hội thảo.

Quảng Nam là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa, nổi bật nhất là 2 di sản văn hóa thế giới: Đô thị cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn, cùng nhiều di tích, danh thắng khác. Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh hiện có trên 300 di sản văn hóa, di tích lịch sử cách mạng, trong đó trên 55 di tích được xếp hạng cấp quốc gia; trên 120 lễ hội có giá trị với nhiều lễ hội mang đậm dấu ấn văn hóa các vùng miền và các dân tộc thiểu số như Cơtu, Giẻ - Triêng, Xê đăng... Ngoài ra, Quảng Nam còn lưu giữ nhiều loại hình văn hóa dân gian như tuồng, bài chòi, hò bả trạo, hát lý, hát xoan, nghệ thuật ẩm thực … tất cả đã tạo nên một bức tranh sinh động, đa màu sắc, góp phần làm cho văn hóa Quảng Nam thêm phong phú, độc đáo và đa dạng.

Thời gian qua, bên cạnh nhiều giá trị văn hóa được phục dựng, bảo tồn tốt, trở thành nhân tố tích cực làm phong phú đời sống văn hóa xã hội, đóng góp vào việc xây dựng đời sống văn hóa mới ở các địa phương, giá trị văn hóa Quảng Nam đang đứng trước những thách thức từ các tác động bên ngoài. Sự biến tướng của các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, nạn mê tín dị đoan, lợi dụng tín ngưỡng tâm linh, ngoại cảm để trục lợi; các hủ tục trong việc cưới xin, lễ hội, tang ma; nhiều di tích, danh thắng vẫn bị xâm phạm, xuống cấp…. ảnh hưởng xấu đến truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục. Vì vậy, việc bảo tồn và phát triển văn hóa Quảng Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã trở thành yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay và những năm tới.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Văn Sỹ cho rằng, muốn bảo tồn tốt các giá trị văn hóa truyền thống, ngoài sự sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cần phát huy vai trò của nhân dân để văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và đời sống xã hội; nâng cấp sửa chữa, xây mới các thiết chế văn hóa theo chuẩn xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, chống sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai trong bối cảnh giao lưu văn hóa toàn cầu như hiện nay. “Để giữ gìn bản sắc văn hóa Quảng Nam trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chúng ta cần phải xây dựng cho mình một bản lĩnh văn hóa vững chắc, một tiếp biến văn hóa trên tinh thần khoa học và cách mạng để tạo ra sức đề kháng đối với những sản phẩm văn hóa độc hại. Khi đã có một bản lĩnh văn hóa vững vàng thì chúng ta có thể miễn nhiễm được với những yếu tố văn hóa ngoại lai không phù hợp”, đồng chí Nguyễn Văn Sỹ nhấn mạnh.

Sau cuộc hội thảo "Bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Nam" tổ chức cuối năm 2012, Hội thảo lần này là bước đi kế tiếp nhằm hướng đến việc xây dựng bản sắc văn hóa xứ Quảng đặc trưng, mang đậm nét truyền thống dân tộc.

ĐCSVN
Từ khóa:
Quảng Nam,