Festival Di sản UNESCO Việt Nam – ASEAN lần thứ nhất
Cập nhật: 16/07/2013
(TITC) - Theo kế hoạch, Festival Di sản UNESCO Việt Nam – ASEAN lần thứ nhất (The First Vietnam – ASEAN UNESCO Heritage Festival 2013) sẽ diễn ra từ ngày 27 đến 31/12/2013 tại Đà Lạt (Lâm Đồng), cùng thời điểm diễn ra Lễ Kỷ niệm 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển (1893 – 2013) và Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 5.
Cồng chiêng Tây Nguyên

Đây là sự kiện nhằm tôn vinh và quảng bá các di sản Việt Nam đã được UNESCO công nhận và đang đệ trình UNESCO công nhận; tạo diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa Việt Nam, các nước ASEAN và các nước đối tác về bảo tồn và phát huy giá trị các di sản; đồng thời góp phần tăng cường mối quan hệ gắn bó, hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước ASEAN và các nước đối tác; giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của Đà Lạt – Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên với bạn bè trong nước và quốc tế.

Festival thu hút sự tham gia của các quốc gia ASEAN và một số đối tác của ASEAN như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc; các tỉnh, thành phố của Việt Nam có di sản đã được UNESCO công nhận bao gồm 5 tỉnh Tây Nguyên, 4 tỉnh miền Trung và 8 tỉnh, thành phố phía Bắc. Bên cạnh đó, Festival Di sản UNESCO Việt Nam – ASEAN lần thứ nhất cũng nhận được sự hưởng ứng tích cực của các địa phương có di sản đang đệ trình UNESCO công nhận.

Festival Di sản UNESCO Việt Nam – ASEAN lần thứ nhất có nhiều hoạt động đặc sắc như: hội thảo quốc tế “Mạng lưới Di sản UNESCO tại Đông Nam Á: Bảo tồn gắn với phát triển bền vững”; tọa đàm “Hoa Đà Lạt và du lịch”; triển lãm Đà Lạt hoa và sinh vật cảnh; giao lưu trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể UNESCO Việt Nam - ASEAN; Carnaval di sản UNESCO Việt Nam-ASEAN-Hoa Đà Lạt; trình diễn nghệ thuật sắp đặt tổng hợp tái hiện những công trình văn hóa nổi tiếng, đặc biệt của 10 quốc gia trong khu vực ASEAN...

Khu đền tháp Mỹ Sơn

Trong khuôn khổ Festival, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Lâm Đồng cũng sẽ công bố Năm Du lịch Quốc gia 2014 - Tây Nguyên - Đà Lạt.

Khu vực ASEAN bao gồm 10 quốc gia với nhiều loại hình di sản đa dạng, chứa đựng các giá trị văn hóa và lịch sử độc đáo, riêng biệt, trong đó có những di sản đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Riêng ở Việt Nam, với bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa đặc trưng của 54 dân tộc, Việt Nam có tới 17 di sản đã được UNESCO công nhận. Các di sản này đã và đang là yếu tố quan trọng góp phần vào việc phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế, xã hội của các địa phương có di sản và phát triển kinh tế chung của Việt Nam.

Là 1 trong 5 tỉnh có Di sản văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên với sự có mặt của đồng bào các dân tộc Bana, Êđê, Giarai…, Lâm Đồng vinh dự là địa phương đăng cai tổ chức Festival Di sản UNESCO Việt Nam – ASEAN lần thứ nhất. Dự kiến, Festival sẽ được tổ chức luân phiên giữa các nước trong khu vực ASEAN vào những năm tiếp theo. 

Danh sách 17 di sản của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới:

Di sản thiên nhiên

1. Vịnh Hạ Long

2. Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng

Di sản văn hóa

1. Quần thể di tích Cố đô Huế

2. Đô thị Hội An

3. Khu đền tháp Mỹ Sơn

4. Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội

5. Thành Nhà Hồ

Di sản văn hóa phi vật thể

1. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ

2. Nhã Nhạc - âm nhạc cung đình Việt Nam

3. Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây nguyên

4. Ca trù

5. Quan họ Bắc Ninh

6. Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc

7. Hát Xoan ở Phú Thọ

Di sản tư liệu

1. Bia đá các khoa thi tiến sỹ triều Lê và Mạc

2. Mộc bản triều Nguyễn

3. Mộc bản Kinh phật Thiền phái Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm

Phạm Phương