Thúc đẩy phát triển kinh tế - du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam
Cập nhật: 23/08/2009
Vừa qua, tại thành phố Đồng Hới (Quảng Bình), Uỷ ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam đã tổ chức hội nghị thường niên các khu dự trữ sinh quyển và di sản thế giới của Việt Nam.

Tại hội nghị, ngoài việc kiểm điểm công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong thời gian qua, các đại biểu còn đánh giá, phân tích sự tác động của danh hiệu UNESCO trong sự phát triển kinh tế - du lịch và ngoại giao văn hoá.

Tác động đến kinh tế – du lịch

                        Động Phong Nha
Nếu như cách đây 16 năm (1993), chỉ có quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới thì đến nay Việt Nam có 5 khu di sản được công nhận là Di sản thế giới (di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, quần thể di tích Cố đô Huế, di sản văn hóa Mỹ Sơn và Phố cổ Hội An), 2 loại hình nghệ thuật được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại (nhã nhạc cung đình Huế và không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên), 8 khu vườn quốc gia được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới (Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, Khu dự trữ sinh quyển Cát Tiên, Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà, Khu dự trữ sinh quyển đất ngập nước ven biển ba tỉnh châu thổ sông Hồng, Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang, Khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An, Cù Lao Chàm, Mũi Cà Mau) và gần đây nhất (31/7/2009) hồ sơ Mộc bản Triều Nguyễn được công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới.

Trong thời gian qua, các địa phương có danh hiệu di sản thế giới đã có tính đột phá trong việc phát triển kinh tế. Các di sản nâng cao tính hấp dẫn đối với du khách bởi giá trị đặc biệt của nó. Đây chính là tiền đề để phát triển kinh tế của địa phương, trước hết là ngành du lịch.

Bà Nguyễn Thị Thuý Hoà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, nếu như doanh thu thu được từ vé tham quan và dịch vụ của di tích Cố đô Huế năm 1993 chỉ ước tính vài trăm triệu đồng thì sau khi công nhận di sản thế giới là trên 78 tỷ đồng (năm 2008). Theo báo cáo của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) thì năm 1996 chỉ có 236 ngàn lượt khách, doanh thu phí tham quan chỉ đạt 1,2 tỷ đồng thế nhưng đến năm 2008 có đến 2,6 triệu lượt khách, doanh thu phí tham quan là 86,7 tỷ đồng, tăng trên 525% so với năm 2000. Đối với Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng, qua 6 năm được công nhận Di sản thế giới đã đóng góp cho ngân sách từ thu phí hằng năm là 10 tỷ đồng. Đây là con số mà trước năm 2004, Quảng Bình “mơ” cũng không có được. Việc khai thác phát huy giá trị di sản cũng đã tạo điều kiện cho công tác phục hồi và phát triển các ngành nghề thủ công, các nghi lễ và nghệ thuật truyền thống như nghề may nhanh, làm đèn lồng ở Hội An, phục hồi các nghi lễ truyền thống ở Huế...

                 Cảnh đẹp ở Cù Lao Chàm
Danh hiệu Di sản thế giới đã mang lại những giá trị kinh tế to lớn mà cụ thể là thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch (tuy nhiên đó phải là một thương hiệu du lịch bền vững trong sự bảo tồn các giá trị di sản). Năm 1994, số lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam là hơn 1,165 triệu, nhưng đến năm 2008 là 4,253 triệu lượt người. Từ việc phát triển du lịch thông qua các danh hiệu danh giá đã được thế giới công nhận sẽ có nhiều tác động tích cực đến địa phương có di sản như chuyển dịch cơ cấu kinh tế, có cơ hội thu hút đầu tư, cơ sở hạ tầng được nâng cấp...

Theo số liệu của ông Phạm Sanh Châu - Tổng thư ký UBQG UNESCO của Việt Nam thì danh hiệu UNESCO là một thương hiệu lớn trị giá hàng trăm triệu đô la Mỹ và bình quân mỗi di sản trên thế giới thu hút rất nhiều du khách. Chính vì thế việc xây dựng một thương hiệu UNESCO là rất hiệu quả trong việc phát triển kinh tế. Chính vì thế mà địa phương có di sản thế giới sẽ có sự phát triển mạnh về kinh tế xã hội, bộ mặt xã hội đổi thay nhiều so với trước. Tuy nhiên phát triển du lịch không bền vững sẽ gặp nhiều thách thức trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản.

Quảng bá văn hoá, hình ảnh Việt Nam ra thế giới

Theo bà Lê Thị Hoàng Cúc, Phó vụ trưởng Vụ Văn hoá đối ngoại - UNESCO (Bộ Ngoại giao) thì việc UNESCO công nhận các di sản, khu dự trữ sinh quyển... cũng đã giới thiệu hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Trong thời kỳ hoà bình và hội nhập, chúng ta cần phải làm nổi bật những giá trị của dân tộc Việt Nam có bề dày văn hoá-lịch sử đặc sắc, có sức sống mãnh liệt, giàu tiềm năng và có nhiều thành tựu trong đổi mới, người dân Việt Nam cần cù sáng tạo, thân thiện và yêu chuộng hoà bình.

Sắp tới chúng ta sẽ tiếp tục vận động UNESCO công nhận khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hoá; hát Ca trù, Dân ca quan họ Bắc Ninh, lễ hội Gióng là di sản văn hoá phi vật thể; hồ sơ “Bia tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám”, tác phẩm Vừa đi đường vừa kể chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào Chương trình Ký ức thế giới... hay Cao nguyên đá Đồng Văn là công viên địa chất thế giới... Đây là những cơ hội cho việc tuyên truyền, quảng bá tạo những hình ảnh tốt hơn về đất nước, con người và văn hoá Việt Nam.
Báo Văn hóa