Du lịch Ninh Bình hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội
Cập nhật: 29/12/2009
Năm 2009, Ninh Bình đã đón gần 2,39 triệu lượt khách du lịch, đạt trên 122% kế hoạch, tăng gần 26% so với cùng kỳ năm 2008, trong đó khách quốc tế có gần 602 nghìn lượt.

               Khu du lịch sinh thái Tràng An

Doanh thu từ du lịch đạt gần 253 tỷ đồng, tăng 55,8% so với cùng kỳ năm 2008. Điều đó cho thấy tiềm năng du lịch của tỉnh đang được đánh thức, phát huy thế mạnh. Nhiều loại hình du lịch nổi lên như: du lịch sinh thái, du lịch văn hoá, lễ hội, du lịch thể thao, nghỉ dưỡng chữa bệnh, du lịch hang động… Một số khu du lịch đã có sức hút mạnh đối với du khách như: Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính, Khu du lịch sinh thái đất ngập nước Vân Long, Khu tắm ngâm nước khoáng nóng Kênh Gà…

Để chuẩn bị cho Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và hướng tới phát triển bền vững, ngành Du lịch đang tập trung xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo hướng chuyên nghiệp, tăng cường công tác quản lý, quảng bá xúc tiến. Đối với việc đầu tư cơ sở vật chất, tính đến nay tỉnh đã chấp thuận cho 43 dự án đầu tư vào kinh doanh du lịch với tổng số vốn trên 8.000 tỷ đồng. Riêng năm 2009 có 7 dự án được chấp thuận đầu tư với tổng số vốn trên 1.428 tỷ đồng.

                        Đền Vua Đinh

Theo kế hoạch, trong năm 2010, các doanh nghiệp sẽ phấn đấu đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật du lịch trên 1.157 tỷ đồng. Tập trung vào những hạng mục của Khu du lịch sinh thái Tràng An, Bái Đính, Tam Cốc - Bích Động, Thạch Bích - Thung Nắng, Khu tắm ngâm Kênh Gà, Khu liên hiệp thể thao sân golf 54 lỗ hồ Yên Thắng… Các công trình kiến trúc văn hoá được chú trọng xây dựng, trùng tu, tôn tạo, bảo tồn như: vùng bảo vệ đặc biệt Cố đô Hoa Lư, Quảng trường tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế, xây dựng quảng trường sân lễ hội trước đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành.

Hệ thống lưu trú trên địa bàn trong năm 2009 được tập trung đầu tư mạnh, toàn tỉnh đã có 107 cơ sở lưu trú với 1.658 phòng nghỉ và 2.780 giường, trong đó có 22 cơ sở lưu trú được công nhận đạt từ 1 đến 2 sao, chiếm tỷ lệ 20,5% tổng số cơ sở lưu trú. Các cơ sở lưu trú đã tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng phục vụ và thực hiện nghiêm các quy định trong kinh doanh. Nhiều cơ sở đã tạo được ấn tượng với du khách như: khách sạn Thùy Anh, Xuân Hoa, Non Nước… Đặc biệt, với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, khu khách sạn cao cấp trung tâm thành phố Ninh Bình được thành lập, thu hút nhiều nhà đầu tư. Một số dự án có quy mô tương đối lớn đang tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng, dự kiến 1 - 2 năm tới sẽ có các nhà hàng, khách sạn hiện đại, từ 3 sao trở lên, đáp ứng nhu cầu ăn, nghỉ, giải trí của du khách khi đến với Ninh Bình.

Cùng với việc đầu tư cơ sở vất chất, nguồn nhân lực du lịch được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng theo hướng chuyên nghiệp. Được tỉnh tạo điều kiện, năm qua, hàng trăm lao động địa phương có nhu cầu đang được đào tạo chuyên nghiệp tại Trường Đại học Hoa Lư. Cùng với đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức cộng đồng, nâng cao khả năng hướng dẫn viên, thuyết minh viên, trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ tham gia làm du lịch tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn. Vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức cuộc thi hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch, đây là một việc làm thiết thực, góp phần nâng cao năng lực, chuẩn hoá đội ngũ hướng dẫn viên trên địa bàn.

   Cảnh đẹp ở Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động

Công tác quản lý du lịch được tăng cường và có nhiều hình thức đổi mới. Từ thành công của mô hình Ban quản lý Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, nhiều khu, điểm du lịch khác cũng đang áp dụng, phát huy phương pháp quản lý khoa học, bài bản, hiệu quả. Nhờ đó, văn minh du lịch đi vào nề nếp. Tại các khu, điểm du lịch, hình thức tuyên truyền, quảng bá du lịch thông qua hệ thống trực quan như: panô, áp phích được trang trí đẹp, bắt mắt, lôi cuốn sự quan tâm của du khách, tạo được thương hiệu riêng.

Các nhà hàng đã chú trọng đến dịch vụ ẩm thực đặc sắc, mang sắc thái riêng của quê hương như: thịt dê, cơm cháy… Mới đây, ngành cũng có ý tưởng, kế hoạch tổ chức các hội thi nấu ăn chế biến các món về thịt dê trên địa bàn. Ngoài ra, các vùng sản xuất chuyên canh hàng hoá được quy hoạch như: vùng rau sạch Ninh Sơn, làng hoa Ninh Phúc, vùng rau màu vụ đông ở Yên Khánh, vùng lúa, cá đồng chiêm Yên Mô, Gia Viễn. Ngành du lịch đang chuẩn bị mọi điều kiện với mong muốn tạo được ấn tượng đối với khách du lịch khi về thăm Ninh Bình trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Báo Ninh Bình