Nối liền những trải nghiệm biển - rừng ở Thừa Thiên Huế
Cập nhật: 02/11/2023
Thừa Thiên Huế là nơi hội tụ đầy đủ các tiềm năng, thế mạnh của đa dạng vùng miền, địa hình của Việt Nam, gồm: rừng núi - vùng đồi - đồng bằng - đầm phá - biển. Có điều kiện tự nhiên, bản sắc văn hóa riêng biệt, du lịch Cố đô có thể mang tới các sản phẩm du lịch đa dạng, khác biệt từ việc nối liền những trải nghiệm biển - rừng.

Khách tắm ở bãi biển Hải Dương

"Đấu nối" rừng và biển

Gặp một đoàn khách đến trải nghiệm du lịch ở A Lưới, họ chia sẻ sau những trải nghiệm bản sắc vùng cao và các di tích ở TP. Huế, đoàn sẽ vào Đà Nẵng để du lịch biển. Đặt câu hỏi vì sao không trải nghiệm các bờ biển đẹp ở Huế, người thì trả lời do không biết, trường hợp khác chia sẻ do không có trong tour. Anh Đinh Viết Đô, du khách Phú Yên chia sẻ: “Mình lên mạng tìm các tour trải nghiệm du lịch đa dạng ở Huế nhưng dường như vẫn chưa đáp ứng được mong muốn. Trải nghiệm ở vùng cao thì thiếu biển, đầm phá và ngược lại”.

Câu chuyện "đấu nối" rừng và biển trong phát triển các sản phẩm du lịch không phải lần đầu đặt ra và cũng không chỉ riêng ở Huế. Còn nhớ năm 2022, tại chương trình xúc tiến du lịch với sự tham gia của 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum) và 5 tỉnh/thành phố miền Trung (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng), vấn đề liên kết vùng miền, liên kết cơ hội và lợi thế riêng giữa rừng và biển là điều đã được đặt ra. Thời điểm đó, ông Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk cho rằng vấn đề ấy đã tính đến nhiều năm, nhưng nay các tỉnh mới có điều kiện thực thi.

So với nhiều địa phương bạn, Thừa Thiên Huế hội đủ điều kiện để nối liền các trải nghiệm, không chỉ các liên kết với du lịch các tỉnh, thành mà ngay trong địa phương, có thể “đấu nối” du lịch rừng và biển, tạo ra những trải nghiệm đa dạng cho khách.

Không phủ nhận, du lịch di sản là thương hiệu của Cố đô, thế nhưng với tiềm năng rất lớn, địa phương cũng đang phát triển nhiều loại hình sản phẩm du lịch bổ trợ, tạo sức hút với du khách. Mới đây, tại hội nghị “Kết nối du lịch Huế 2023”, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, tiềm năng, thế mạnh của du lịch Thừa Thiên Huế là vấn đề ai cũng nhìn thấy rõ. Tuy nhiên, dù có nhiều lợi thế để phát triển du lịch như tài nguyên, cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông thuận lợi… nhưng lượng khách đến Thừa Thiên Huế còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Do vậy, cơ cấu lại thị trường khách, đa dạng hóa sản phẩm là điều rất quan trọng.

Theo đại diện lãnh đạo Sở Du lịch, trên thực tế hiện nay đã có các tour trải nghiệm rừng - biển tại Phú Lộc, đó là khám phá vườn quốc gia Bạch Mã - biển Lăng Cô hay các trải nghiệm gần đó. Tuy nhiên, quy mô số lượng chưa nhiều. Một thực tế là các doanh nghiệp du lịch ở Huế đa phần còn nhỏ, dòng khách chưa tập trung, trong khi quy mô thị trường, nhu cầu khách tham gia các trải nghiệm rừng - biển chưa lớn, chưa ổn định. Song, đó vẫn là một hướng đi có thể nghiên cứu khai thác.

Trải nghiệm từ đại ngàn tới đại dương

Trên thực tế, những kết nối trải nghiệm rừng - biển đã được tổ chức ở một số địa phương. Gần đây, du khách tỏ ra khá thích thú với kết nối tour, tuyến du lịch theo chủ đề những trải nghiệm từ đại ngàn tới đại dương ở hai địa phương Khánh Hòa và Đắk Lắk. Xét về phạm vi hẹp hơn trong nội tỉnh, Thừa Thiên Huế có đủ điều kiện để làm các trải nghiệm này, giảm được chi phí tour khi di chuyển ngắn hơn, giao thông lại khá thuận lợi.

Theo các chuyên gia du lịch, mỗi khu vực địa hình gắn với những nét đặc sắc du lịch riêng. Hiện, các địa phương đã có sẵn và đang làm tốt các sản phẩm du lịch. Điển hình như tại các vùng cao A Lưới, Nam Đông là các trải nghiệm bản sắc văn hóa, lễ hội, ẩm thực của đồng bào các dân tộc thiểu số; trải nghiệm du lịch suối thác, du lịch cộng đồng. Các bãi biển của Huế cũng đang nổi lên các dịch vụ vui chơi, trải nghiệm và ẩm thực biển. Cùng với các bãi tắm ở Thuận An, nhiều bãi biển “mới nổi” ở Quảng Công, Quảng Ngạn hay những bãi biển xa hơn như Hàm Rồng (Phú Lộc) là điểm dừng chân thú vị. Vấn đề là cách kết nối lại, xây dựng tour tuyến phù hợp.

Theo đánh giá của nhiều du khách, kết nối trải nghiệm từ rừng xuống biển trong cùng một chuyến đi sẽ mang lại cho họ những cảm xúc mới lạ. Đó có thể là những trải nghiệm cảm giác hứng thú với sóng gió và cát trắng hoang sơ, rồi thử thách leo thác, xuyên rừng lội suối với những bản làng trầm mặc. Đây là điều hứng thú tuyệt vời không chỉ cho du khách nước ngoài, mà thực tế nhiều người dân bản địa còn chưa được trải nghiệm và đang có nhu cầu.

Để làm được điều đó, cũng cần tính kết nối giữa các cơ quan quản lý về du lịch, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp để khảo sát, thiết kế xây dựng tour liên kết nghỉ dưỡng biển và núi rừng đặc thù. Bên cạnh đó, có thể nghiên cứu xây dựng ấn phẩm chung để quảng bá tại các thị trường du lịch trọng điểm trong nước và nước ngoài; phối hợp mời, tổ chức đón đoàn famtrip, presstrip nước ngoài để giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

Báo Thừa Thiên Huế - baothuathienhue.vn - Đăng ngày 27/10/2023