Tuần Hành lang Kinh tế Đông Tây
Cập nhật: 31/08/2007
Địa bàn của “Hành lang Kinh tế Đông Tây” nằm trên bốn quốc gia ASEAN, gồm: Việt Nam, Lào, Thái Lan và Myanmar.

Hành lang này dài khoảng 1.450km nằm gọn trong khu vực Tiểu vùng Mekong mở rộng, dọc đường bộ nối ba tỉnh của Việt Nam (Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị), một tỉnh của Lào (Savanakhet), bảy tỉnh của Thái Lan (Mae Sot, Tak, Phitsalulok, Khon Kaen, Kalasin, Kuchinarai, và Mukdahan) và hai tỉnh của Myanmar (Mawlamyine, Myawaddy).

Đây là khu vực cư dân còn nghèo, kinh tế kém phát triển nhưng giàu tiềm năng về du lịch, giao thông vận tải đường biển và đường bộ, khai thác tài nguyên rừng, nông nghiệp và sản xuất hàng tiêu dùng.

Hoạt động chính của Tuần Hành lang kinh tế Đông tây tập trung tại Đà Nẵng, gồm:

- Lễ khai mạc trọng thể (27/8/2007);
- Hội chợ triển lãm quốc tế (27/8 - 1/9);
- Diễn đàn Thương mại và Đầu tư (28/8/2007);
- Hoạt động văn hóa văn nghệ của các nước liên quan;
- Đoàn xe Caravan, xuất phát từ Tp. Đà Nẵng đi Mukdahan - Thái Lan (29/8 - 2/9/2007).

Tham gia chương trình ngoài các quan chức và doanh nghiệp Việt Nam còn có đoàn của các nước trong Hành lang EWEC và các tỉnh trưởng các tỉnh trong Hành lang, các doanh nghiệp của các nước trong Hành lang và các nước đối thoại như Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ.

Mục đích tổ chức Tuần EWEC là dịp để các thành viên tham gia chứng kiến việc hoàn thành xây dựng hành lang, đặc biệt là sau khi khai thông cây cầu hữu nghị Lào - Thái Lan hồi tháng 1/2007; tạo cơ hội cho quan chức các chính phủ, các tỉnh, các địa phương liên quan gặp nhau tại Đà Nẵng để giao lưu tăng cường quan hệ hợp tác; là dịp các nhà đầu tư nước ngoài tìm hiểu cơ hội đầu tư. Đối với Việt Nam việc tổ chức Tuần lễ EWEC là cơ hội tốt để xúc tiến thương mại, đầu tư vào các tỉnh miền Trung của Việt Nam theo tinh thần tất cả các bên cùng thắng.

Đến nay đã có nhiều nhà đầu tư từ Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Đông… đã đầu tư hoặc đang tìm hiểu khả năng đầu tư vào khu vực miền Trung Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực du lịch, vận tải và khai thác cảng biển.

Trở ngại chính trong một số hoạt động có liên quan là vấn đề xe ôtô tay lái bên phải sử dụng ở Việt Nam và Lào hoặc xe tay lái bên trái sử dụng ở Thái Lan và Myanmar đã được xem xét giải quyết.
Trung tâm Tin học