Làng cổ Đông Hòa Hiệp - điểm đến du lịch cộng đồng hấp dẫn
Cập nhật: 02/12/2011
Nhờ vẻ đẹp của dòng sông Cái Bè bao quanh và những ngôi nhà cổ đặc trưng khu vực Nam Bộ nằm thấp thoáng dưới những vườn cây bốn mùa đơm hoa, kết trái mà làng cổ Đông Hòa Hiệp (nay là xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) hiện đang là điểm đến hấp dẫn được nhiều khách du lịch lựa chọn.

Từ TP. Mỹ Tho, theo quốc lộ 1A khoảng 100km về phía tây, du khách sẽ đến làng cổ Đông Hòa Hiệp.

Làng có tất cả 6 ấp với hơn 3.000 hộ gia đình, sinh sống chủ yếu dựa vào những vườn cây ăn trái các loại: xoài cát Hòa Lộc, cam sành, bưởi da xanh, nhãn, vũ sữa Vĩnh Kim… và các nghề thủ công truyền thống như: làm cốm, tráng bánh tráng, cán bánh phồng sữa… Ấn tượng đầu tiên khi du khách đặt chân đến đây là hình ảnh những ngôi nhà cổ mang đậm nét kiến trúc văn hóa nhà vườn Nam Bộ với niên đại trên 100 năm. Các ngôi nhà cổ ở đây không nằm sát nhau giống như ở một số làng cổ khác mà chúng nằm đan xen với những vườn cây ăn trái xum xuê tạo nên vẻ đẹp dân dã nhưng thơ mộng và trở nên cuốn hút du khách. Trong số đó, đáng chú ý là nhà cổ của ông Trần Tuấn Kiệt (ấp Phú Hòa) và nhà cổ của ông Phan Văn Đức (ấp An Lợi). Hai ngôi nhà này không những rất độc đáo về kiến trúc mà hiện còn là điểm du lịch homestay thu hút đông du khách quốc tế.

Nhà cổ của ông Trần Tuấn Kiệt được dựng vào năm 1838 trên diện tích 1.000m², bao gồm 5 gian với kiến trúc kiểu chữ Đinh. Trên các vì kèo, ô cửa, bao lan… bằng gỗ có chạm khắc tinh xảo các hoa văn như: tùng, cúc, trúc, mai… và nhiều họa tiết mang đặc trưng văn hóa Nam Bộ. Trong nhà còn lưu giữ nhiều đồ cổ quý như: bộ liễn đối khảm xà cừ, bộ bàn ghế với các hoa văn tinh tế, vật dụng bằng sứ; đặc biệt là 108 cây cột bằng gỗ căm xe quý hiếm, đã được các nhà khảo cổ Nhật Bản xếp vào loại “cửu đại mỹ gia” ở Việt Nam.

               Khách quốc tế tham quan nhà cổ của ông Trần Tuấn Kiệt


Ngôi nhà nằm ẩn mình giữa khu vườn cây ăn trái rộng khoảng 18.000m² càng tạo thêm vẻ kín đáo, yên tĩnh. Khách đến đây dưới hình thức du lịch homestay sẽ được gia chủ sắp xếp chu đáo chỗ ăn, nghỉ và hướng dẫn tận tình nếp sinh hoạt theo gia đình.

Nằm trong khuôn viên rộng hơn 20.000m² và được bao quanh bởi khu vườn cây ăn trái quanh năm trĩu quả, nhà cổ của ông Phan Văn Đức mang lối kiến trúc kết hợp hài hòa giữa văn hóa Nam bộ và Pháp. Nhà được dựng vào năm 1850, trên nền cao 0,5m so với mặt đất, gồm hai nhà là nhà trước và nhà sau nằm cách nhau bởi một khoảng sân Thiên Tĩnh (giếng trời).

Vẻ đẹp kết hợp giữa văn hóa Nam Bộ và Pháp của ngôi nhà cổ của ông Phan Văn Đức


Nhà trước là nơi có đặt bàn thờ cúng tổ tiên. Phía trước nhà là một hành lang khá rộng có lan can kiên cố. Bên trong nhà có lưu giữ các cổ vật quý hiếm như: 4 cây cột bằng gỗ căm xe; 3 bộ tủ thờ khảm xà cừ; bộ liễng khảm xà cừ; chiếc hộp gỗ khảm hình rồng, bên trong có bản “Sắc phong thần” do Vua Tự Đức ban vào khoảng thời gian từ năm 1848 đến năm 1860; 9 bức tranh tường tuyệt đẹp phác họa khung cảnh làng quê bình dị nằm bên một dòng sông trong xanh.

Khu nhà sau, trước kia khu vực này vốn là một ngôi nhà 3 gian khá rộng, gồm: gian bếp, gian nhà ăn và gian nhà kho dùng để chứa lúa gạo và dụng cụ sản xuất. Tuy nhiên, trải qua thời gian, ngôi nhà đã bị xuống cấp chỉ còn lại một phần diện tích nhỏ dùng làm nhà bếp bây giờ.

Đến thăm nhà cổ của ông Đức, du khách có thể nghỉ lại và thưởng thức ẩm thực Nam Bộ ngay tại vườn cây ăn trái.

Du khách tận hưởng không gian thoáng mát và thưởng thức trái cây tại vườn nhà ông Phan Văn Đức


Cùng với những ngôi nhà cổ, miệt vườn xanh mướt, người dân Đông Hòa Hiệp còn gìn giữ, phát huy giá trị của các nghề thủ công truyền thống, tạo nên hình thức du lịch cộng đồng mang bản sắc riêng của khu vực Nam bộ.

Đến Đông Hòa Hiệp, du khách sẽ có dịp tản bộ trên những con đường nằm len lỏi dưới những vườn cây ăn trái vừa để tận hưởng không gian thanh bình vừa để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những ngôi nhà cổ; trải nghiệm các sinh hoạt thường ngày cùng người dân địa phương: tham gia làm cốm, tráng bánh tráng, cán bánh phồng sữa, chăm sóc vườn cây ăn trái, đi chợ nổi Cái Bè, tát mương bắt cá …; nghe đờn ca tài tử; … hay tham gia tour đạp xe khám phá các làng quê để hiểu thêm về cuộc sống của người dân miệt vườn sông nước. Ở đây, du khách luôn cảm nhận được sự hiền hòa, hiếu khách của người làng Đông Hòa Hiệp.

Nhờ có loại hình du lịch đặc trưng và vị trí thuận lợi về giao thông - Từ bến tàu thủy du lịch Cái Bè có thể nối tuyến với các điểm du lịch ở Cái Mơn của tỉnh Bến Tre và Bình Hòa Phước của tỉnh Vĩnh Long, trong tương lai, Đông Hòa Hiệp sẽ trở thành điểm đến tiêu biểu về loại hình du lịch sinh thái gắn với sông nước, miệt vườn ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Tiền Giang nói riêng.

Với thế mạnh về du lịch sinh thái, sông nước, miệt vườn gắn với các ngôi nhà cổ, Đông Hòa Hiệp đã được tỉnh Tiền Giang chọn làm nơi bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của vùng đất Nam bộ; được Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) chọn làm điểm tiêu biểu để phát triển mô hình du lịch nông thôn khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2002, JICA đã tài trợ 1,8 tỷ đồng để trùng tu ngôi nhà cổ của ông Kiệt theo đúng nguyên bản. Ngôi nhà cổ của ông Đức cũng được JICA hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính trong quá trình trùng tu, sửa chữa. Đây chính là lợi thế lớn để Đông Hòa Hiệp tiếp tục bảo tồn và phát triển du lịch địa phương. Hình thức du lịch cộng đồng ở Đông Hòa Hiệp giúp du khách dễ hiểu hơn về văn hóa, lịch sử và con người Việt Nam.

Theo số liệu thống kê, trung bình mỗi năm làng cổ Đông Hòa Hiệp đón 100.000 lượt du khách (chủ yếu là khách nước ngoài) đến với mục đích chiêm ngưỡng kiến trúc các ngôi nhà cổ, tìm hiểu các nghề truyền thống, thưởng ngoạn những vườn cây ăn trái, tham quan chợ nổi Cái Bè... Riêng nhà cổ của ông Kiệt và nhà cổ của ông Đức, trung bình mỗi ngày mỗi nhà cũng đón gần 100 lượt khách, ngày cao điểm lên tới 600 lượt khách, ngày thấp điểm gần 50 lượt khách.




                                                                                             Thanh Hải (TTTTDL) biên tập