Khám phá tuyến du lịch ven Hồ Tây (phần 2)
Cập nhật: 07/03/2012
Kỳ 2: Tham quan các di tích văn hóa – lịch sử (tiếp theo)Tiếp tục dạo quanh con đường ven Hồ Tây, du khách sẽ đến với các di tích văn hóa – lịch sử đặc sắc khác như: quần thể di tích đình – đền – chùa làng Quán La, chùa Võng Thị, đình Yên Thái, chùa Thiên Niên, đền Đồng Cổ…

Thuộc địa phận phường Xuân La, quận Tây Hồ, làng Quán La hấp dẫn du khách bởi nét đẹp cổ kính được gìn giữ từ muôn đời nay. Về thăm làng Quán La, du khách sẽ được khám phá quần thể di tích văn hóa, lịch sử nổi tiếng bao gồm: chùa Khai Nguyên, đền Sóc, đình Quán La…   

                                              Chùa Khai Nguyên

Chùa Khai Nguyên
được xây dựng vào giữa thời Lê (cuối thế kỷ 17), trên nền cũ của quán Khai Nguyên, thờ Huyền Nguyên đại đế. Chùa Khai Nguyên có kết cấu hình chữ Đinh, gồm tiền đường và Phật điện. Mái chùa lợp bằng ngói vảy hến. Trong chùa còn lưu giữ tấm bia niên hiệu Thái Đức thứ 11 (1788) nói về quá trình tu bổ, xây dựng chùa; 1 quả chuông đồng đúc vào tháng Chạp năm Thiệu Trị thứ nhất (1841); 2 dãy tượng, một dãy thờ Ngũ vị tôn ông, một dãy thờ Tứ phủ chầu bà.  

Được xây dựng từ thời Lý, đền Sóc thờ Thánh Gióng – một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Tương truyền, sau khi đánh tan giặc Ân, trước khi phi ngựa lên núi Sóc bay về trời, Thánh Gióng đã ngồi nghỉ bên Hồ Tây, giở cơm nắm ra ăn. Vì vậy, nhân dân đã lập đền thờ Thánh Gióng trên gò con Phượng cạnh gốc đa, là nơi Thánh ngồi nghỉ. Trước đền Sóc có cổng tam quan. Bên trong đền có lầu bát giác với phiến đá lớn tượng trưng cho nơi Thánh Gióng ngồi ăn cơm. Năm 1990, đền Sóc đã được Bộ Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích văn hóa – lịch sử cấp quốc gia.  

Cách đền Sóc khoảng 200m là đình Quán La, (xưa còn có tên là quán Già La) thờ Thành hoàng làng Duệ Trang, người có công lớn trong việc đánh giặc, giữ nước và đã hoá tại khu vực đình ngày nay. Đình Quán La được xây dựng theo phong cách kiến trúc thời Lê với kết cấu kiểu giá chiêng chồng rường. Đình hiện còn lưu giữ 19 đạo sắc phong, trong đó sắc phong sớm nhất là vào năm Thịnh Đức thứ nhất (1653) và sắc phong cuối cùng là năm Đồng Khánh thứ 2 (1887). Hàng năm, cứ đến ngày 14/4 âm lịch, dân làng Quán La lại tổ chức lễ cầu mưa, cầu mát tại đình.    

                                              Chùa Võng Thị

Nằm trên phố Võng Thị, chùa Võng Thị (có tên chữ là Vĩnh Khánh Tự) được xây dựng từ thời nhà Lý (thế kỷ 11). Khuôn viên chùa rộng khoảng 3ha với các công trình kiến trúc cổ kính như: gác chuông, hạ điện, trung điện, thượng điện, nhà tổ, cửa tam quan, tháp lăng... Trong chùa có nhiều pho tượng cổ, đặc biệt có một quả chuông đúc từ thời Tây Sơn. Chính điện chùa được bài trí tôn nghiêm, tầng trên cùng là bộ tượng Tam Thế Phật tạc bằng gỗ vào thời nhà Mạc. Mỗi tượng cao 0,9m nằm trên tòa sen cao 30cm, chiều ngang 0,54m.  

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Thành uỷ Hà Nội đã xây tại khu vườn của chùa Võng Thị căn hầm để chỉ huy quân dân Thủ đô lập nên những chiến công lừng lẫy. Hầm được xây bằng đá hộc, mỗi bề rộng 12m, nửa chìm nửa nổi. Phần chìm thông với một hệ thống địa đạo dưới lòng đất của khu vườn.  

Trên hành trình khám phá những di tích văn hóa – lịch sử quanh Hồ Tây, du khách cũng có thể dừng chân tại đình Yên Thái thuộc phố Yên Thái, phường Hàng Gai. Đình thờ Nguyên phi Hoàng Thái hậu Ỷ Lan, người đã được nhân dân tôn làm Quốc Mẫu và được nhiều đời vua ban tặng sắc phong “Thượng đẳng phúc thần”.  

Kiến trúc của đình được xây theo kiểu chữ công, bao gồm: 3 gian tiền đường, 1 gian ngoại cung (ống muống) nối liền với 3 gian hậu cung. Gian chính giữa của hậu cung đặt tượng thờ Nguyên phi Ỷ Lan, bên trái thờ Mẫu, bên phải thờ Phật. 3 gian tiền đường với bộ khung vì kèo được thiết kế theo kiểu “Thượng chồng rường giá chiêng, hạ kẻ truyền”. Các bức cốn nách được chạm khắc tinh xảo, độc đáo với thủ pháp chạm nổi, chạm lộng đề tài tứ linh (long, ly, phượng, mã), rồng cuốn thuỷ. Tại đình Yên Thái còn có một miếu thờ thiên địa được xây hoàn toàn bằng đá.  

Hàng năm, đình Yên Thái thường tổ chức lễ hội từ 15 đến 17/3 âm lịch và từ 23 đến 25/7 âm lịch để kỷ niệm ngày sinh và ngày hóa của Nguyên Phi Ỷ Lan. Ngày 16/01/1995, đình đã được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá cấp Quốc gia.  

                                             Chùa Thiên Niên

Với địa thế đẹp ven Hồ Tây, chùa Thiên Niên (còn gọi là chùa Trích Sài) thuộc làng Trích Sài, phường Bưởi là một trong những điểm du lịch tâm linh hấp dẫn của Thủ đô. Chùa thờ Phật và bà chúa dệt lĩnh Phạm Thị Ngọc Đô - thứ phi của Vua Lê Thánh Tông. Tương truyền, Vua Lê Thánh Tông sau chuyến đi nam chinh đã đưa về cung một phi tần Chiêm Thành tên là Phạm Thị Ngọc Đô cùng 24 thị nữ. Vua lập trang trại Thiên Niên ở làng Trích Sài để Ngọc Đô cùng các thị nữ cư ngụ. Tại đây, Ngọc Đô đã truyền dạy cho dân làng Trích Sài và làng Võng Thị nghề dệt lĩnh, tạo ra nhiều sản phẩm khéo léo, tinh xảo. Nhà vua còn cho xây ở Trích Sài một ngôi chùa trên nền chùa Bút Tháp cũ, gọi là chùa Thiên Niên để Ngọc Đô cùng các thị nữ ngày đêm lễ Phật. Hiện nay, chùa Thiên Niên với khuôn viên rộng và địa thế đẹp, thu hút khá nhiều Phật tử và du khách tới tham quan, lễ bái.  

Tọa lạc trên đường Thụy Khuê, phường Bưởi, đền Đồng Cổ được xây dựng từ đời Vua Lý Thái Tông, thờ thần núi Đồng Cổ. Vua Lý Thái Tông khi còn là Thái tử đã phụng mệnh vua cha đem quân đi đánh Chiêm Thành và được thần núi Đồng Cổ giúp đánh thắng trận. Thái tử đã cho rước thần về kinh thành để bảo vệ đất nước, nhân dân và cho dựng miếu thờ thần ở bên hữu thành Thăng Long, chính là đền Đồng Cổ hiện nay; đồng thời quy định cứ đến ngày mùng 4/4 âm lịch hàng năm sẽ tổ chức lễ “Minh thệ” (ăn thề) tại đây.  

Toàn bộ kiến trúc đền Đồng Cổ bao gồm: tam quan, các tòa tiền tế, trung tế và hậu cung. Bên trong đền vẫn còn lưu giữ 12 đạo sắc từ các thời: Cảnh Hưng, Chiêu Thống, Quang Trung, Cảnh Thịnh, Thiệu Trị, Tự Đức (năm 1740 đến 1883).  

Để giúp du khách có cơ hội khám phá các giá trị văn hóa, lịch sử cũng như vẻ đẹp của những di tích này, Công ty Cổ phần TLC Hồ Tây đã chính thức khai trương tuyến du lịch văn hóa, lịch sử ven Hồ Tây bằng ôtô điện. Tham gia tuyến du lịch này, du khách sẽ được thưởng ngoạn cảnh sắc Hồ Tây, tham quan các di tích nổi tiếng quanh hồ và thưởng thức các món ăn đặc sản như: bún ốc, bánh tôm…

Phạm Phương (TTTTDL)