Du lịch hoài niệm - một thương hiệu du lịch của Quảng Trị
Cập nhật: 08/08/2014
Từng là tuyến lửa ác liệt trong cuộc chiến tranh giữ nước anh hùng của dân tộc Việt Nam, hiện nay, Quảng Trị còn lưu giữ một hệ thống di tích lịch sử chiến tranh đồ sộ, độc đáo.
 

Năm 2010, được sự đồng ý và giúp đỡ của Bộ Quốc phòng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Quảng Trị, tại thị xã Quảng Trị đã khánh thành Trung tâm Phát triển Du lịch hoài niệm Việt Nam và ra mắt Quỹ phát triển Du lịch hoài niệm tỉnh Quảng Trị. Từ đó đến nay, du lịch hoài niệm đã trở thành một thương hiệu của du lịch Quảng Trị.

Khai thác “đúng, trúng” thế mạnh

Có  thể nói, Quảng Trị là địa phương đầu tiên và duy nhất tập trung khai thác loại hình du lịch hoài niệm. Theo thống kê, hàng năm, hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước tới đây và chủ yếu theo loại hình du lịch hoài niệm để tìm hiểu về truyền thống lịch sử cách mạng, về thăm lại chiến trường xưa và tri ân các liệt sĩ. Đặc biệt vào các dịp lễ lớn như: Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, Ngày Quốc khánh 2/9... lượng khách đổ về mảnh đất lửa lại tăng cao nhiều lần.

Có được những kết quả đáng mừng ấy, bởi Quảng Trị đã tận dụng khai thác đúng, trúng thế mạnh của mình trong phát triển du lịch. Theo ông Nguyễn Hữu Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị thì Quảng Trị nằm trên dải đất miền Trung đầy nắng gió với nhiều nét riêng, đặc sắc về lịch sử, văn hóa, giàu tiềm năng để phát triển du lịch. Đặc biệt, tỉnh có nhiều địa danh, tên làng, tên núi, tên sông không chỉ là những danh thắng đẹp mà còn là di tích lịch sử, văn hóa, in đậm dấu ấn của cuộc đấu tranh anh hùng như: Cồn Tiên - Dốc Miếu - Quán Ngang, cầu Hiền Lương - bãi biển Cửa Tùng - Cửa Việt, đôi bờ sông Bến Hải, Đông Hà - La Vang - Ái Tử, đảo Cồn Cỏ, Thành cổ Quảng Trị, Làng Vây, Đường 9 - Khe Sanh - Lao Bảo, sông Thạch Hãn, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9...

Mỗi du khách đến với Quảng Trị không chỉ để tham quan thiên nhiên, con người mà còn để hoài niệm về một thời đã xa, để lật giở từng trang lịch sử qua những chứng tích chiến tranh còn lại. Du lịch hoài niệm vì thế là loại hình du lịch tận dụng được triệt để những thế mạnh, tiềm năng du lịch của vùng đất nắng, gió này.

Khẳng định thương hiệu

Không thể phủ nhận lợi ích mà loại hình du lịch hoài niệm mang lại cho du lịch Quảng Trị. Thế nhưng, làm sao để giữ vững thương hiệu du lịch hoài niệm lại là một bài toán khó khi hầu hết các tài nguyên du lịch của Quảng Trị đều là những di tích lịch sử đã có thời gian tồn tại lâu, nguy cơ bị xuống cấp.

Hơn thế, khác với các loại hình du lịch khác có thể để du khách tự tham quan, tự khám phá, du lịch hoài niệm đòi hỏi phải có một đội ngũ hướng dẫn viên có kinh nghiệm, am hiểu về lịch sử để dẫn dắt du khách tại các điểm tham quan. Bởi chính họ là những người truyền tải đến du khách những giá trị của di tích, giúp cho du khách có được cách nhìn tổng quan, khách quan hơn về cuộc chiến tranh đã qua nhằm thỏa mãn được nhu cầu khám phá, tìm hiểu của khách du lịch. Một đội ngũ hướng dẫn viên nắm vững lý lịch của di tích, có cách thuyết minh hấp dẫn sẽ mang đến cho du khách những hiểu biết rộng hơn mà bản thân các hiện vật chưa thể lột tả.

Đây đều là hai vấn đề lớn đòi hỏi ngành du lịch Quảng Trị “gỡ rối” để khẳng định thương hiệu của du lịch hoài niệm.

Theo các chuyên gia du lịch, bảo tồn di tích lịch sử không phải là câu chuyện mới và không chỉ Quảng Trị mới gặp phải khi nhiều địa phương trên cả nước cũng đau đầu tìm hướng bảo tồn di tích khỏi sự xâm hại của tự nhiên và con người. Tuy nhiên, việc bảo tồn di tích ở Quảng Trị lại gặp nhiều khó khăn hơn các địa phương khác do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, các di tích lại từng chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh.

Những năm trở lại đây, tỉnh Quảng Trị đã xây dựng lộ trình tôn tạo nâng cấp các di tích văn hóa, lịch sử một cách hợp lý để phát huy hiệu quả đầu tư. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức du lịch và nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch được tham gia nhiều khóa đào tạo nghiệp vụ du lịch, để nâng cao khả năng giao tiếp có văn hóa, lịch sự và am hiểu nghề du lịch để thu hút du khách.

Với những cố gắng của các ngành, các cấp địa phương, du lịch hoài niệm tại Quảng Trị đang có nhiều cơ hội để phát triển, tạo sức bật cho ngành du lịch của vùng đất anh hùng để du lịch sớm trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, tạo sự đột phá mạnh mẽ sau năm 2015 theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Trị đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Báo Quảng Trị