Cà Mau: Chút tình U Minh Hạ
Cập nhật: 20/10/2023
“U Minh và U Minh Hạ khác nhau à?", những người bạn ngạc nhiên khi chúng tôi khẳng định như thế. U Minh Hạ là cách gọi bao hàm cả không gian - thời gian văn hoá của xứ sở cây tràm ở Cà Mau. Nói rộng ra một chút, theo hành trình khẩn hoang, mở đất về phương Nam, U Minh là cách gọi thiên nhiên ban sơ “u u minh minh”, mà Nhà Nam Bộ học Sơn Nam cắt nghĩa nôm na là “hoang vắng, đen tối” và chưa xa, ở thế kỷ XIX, “vùng Cà Mau (được) hiểu là U Minh Hạ”.

Ðón bạn ở xứ Cù Lao Dung, nằm cuối nguồn Sông Hậu, nơi hợp lưu dòng nước các cửa: Trần Ðề (Sóc Trăng), Ðịnh An (Trà Vinh) và Ba Thắc (Bassac, Sóc Trăng). Tôi may mắn từng được đến Cù Lao Dung trong cảm giác quen thuộc và cũng nhiều điều mới mẻ. Lần đó, Tiến sĩ Trịnh Công Lý, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Sóc Trăng, tâm sự rằng: “9 cửa sông Mê Kông mà người ta hay nhắc đến, thiệt ra đâu còn đầy đủ. Như ở Cù Lao Dung này, cửa Ba Thắc chỉ còn dấu tích lờ mờ và hầu như rất khó nhận biết”.

Lần đó, chúng tôi được tiếp đãi món lẩu cá bông lau nấu chua với trái bần Cù Lao Dung mà vị ngon thật khó tả, kèm lời giới thiệu: “Ở Cù Lao Dung, cây bần, trái bần được coi như tinh tuý, là thứ sản vật tự hào nhất”. Những dải đất mới theo thuỷ triều ẩn hiện trong mút mắt xanh của rừng mắm, rừng bần; tiếng nói, nụ cười, ánh mắt hồn hậu dân cù lao, tôi thấy quen lắm, thương lắm và gần gũi lắm với Cà Mau quê mình.

Những người bạn xứ Cù Lao Dung trải nghiệm đời sống dân dã rừng tràm U Minh Hạ.

Trong câu chuyện với bạn, giữa đại ngàn U Minh Hạ điểm hẹn, chủ đề về cây tràm cứ trở đi, trở lại. Ðồng bằng sông Cửu Long mà, tràm mọc khắp đất, từ Trà Sư (An Giang), Tràm Chim (Ðồng Tháp) hay miệt U Minh Hạ này, tràm đâu có xa lạ gì. Chúng tôi không biết tràm mọc ở đâu trước tiên, nhưng có điều nhất trí rằng, nơi nào có rừng tràm là nơi đó giàu đẹp, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nếu nói theo lời ông bà xưa là “mắm trước, đước sau, tràm theo sát”, thì ở đâu có tràm, có rừng tràm, nơi đó thế đất đã thành thuộc, đã lý tưởng cho cuộc quần cư, lạc nghiệp lâu dài. Nó cũng như hành trình, tâm thế của thiên nhiên, con người phương Nam: Ðuổi mặn, lắng phèn, ủ ngọt cho đất đai, cho cuộc sống và cả tâm hồn.

Tôi tự hào giới thiệu với bạn, dân Cà Mau có 2 nghề khởi thuỷ: nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá. Theo cách nói bây giờ, rừng tràm là “mô hình” sinh kế trước tiên, nghề “khởi nghiệp” của cư dân. Theo đó, mật ong và sáp ong cũng được coi là “thương hiệu” nông sản đầu tiên của Cà Mau. Cho đến bây giờ (và tương lai xa xôi nữa, có thể là bất biến), điều ấy vẫn đúng, vẫn hiện diện sinh động ở Cà Mau này.

Tôi và bạn về thăm Ðiểm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng (homestay) Mười Ngọt, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời. Nghe kể chuyện ông Mười Ngọt mê rừng tràm bỏ xứ Cái Nước mà theo về vùng nước đỏ. Ông Mười truyền tình yêu ấy cho con trai, anh Phạm Duy Khanh để chăm chút, nâng niu 60 ha rừng tràm. Vắt cắn đỏ máu, muỗi bu kín mặt, nhưng khi mùa tràm đầu tiên nở bông, cha con ông đã cùng cười mãn nguyện khi được đền đáp bằng thứ vàng mười mật ngọt.

Ông Trần Thanh Dũng, Phân hội phó Phân hội Văn học tỉnh Sóc Trăng, trải nghiệm giở trúm lươn U Minh Hạ.

Chỉ vài khung tre, mành lưới quấn quanh, những chiếc lọp lưới đơn sơ, dễ làm, lại là sinh kế của người dân U Minh Hạ.

Câu vọng cổ ngọt xớt vẳng xa trong đêm rừng, ngoài kia bông tràm thơm lựng đất trời, và ở đây, tình người, men rượu say chất ngất. Thịt con cá lóc nướng trui quấn với đọt lụa mùa sa mưa, chấm muối ớt, bạn bồi hồi nói đã hơn 10 năm rồi chưa thưởng thức lại. Nồi lẩu mắm, có sịa rau dân dã đủ loại ăn kèm: rau dừa, rau mác, bông súng đồng, rau nhút, kèo nèo... khiến bạn cao hứng nói: "Trong món ăn này có đầy đủ hồn cốt, phong vị, nghĩa tình Nam Bộ". Dĩa lá cách xào chuột đồng, bạn không dám gắp nhiều vì sợ hết mau... Và cuộc rượu giữa bốn bề tràm, câu nói vui khi anh em “Cà - Sóc” tương ngộ, bạn và tôi, ai cũng muốn như thật lâu, cho đến lúc trên đầu, trăng vén mây trôi mãi về phía bên này ngày mới...

Tình quê U Minh Hạ qua món cá lóc nướng trui bằng than tràm.

Bạn chắc chưa quên hôm ấy, gặp 2 người nông dân U Minh Hạ vét cỏ, dọn mương mướn cho gia đình ông Mười Ngọt. 2 ông mặc tà lỏn, áo phèn, tay chân vọp nước, mần một ly rượu làm quen với khách mà tếu táo: “Trời đất ơi, lâu quá rồi mới gặp lại, hơn 60 năm rồi đó nghen”. Trong vạt áo của 2 người nông dân ấy dốc ra những đọt rau muống đồng non mướt, mấy cọng rau mác mập lù, kèm nụ cười hào sảng, chân chất góp mồi, góp mặt. Bạn cũng hào hứng cởi trần, cởi đi những thứ vướng víu của đời sống, nằm thả mình trên đám cỏ dại sũng nước, hít thở một lồng ngực trong veo, căng đầy hương tràm Cà Mau.

Một chút tình U Minh Hạ gởi bạn, có giọt mật vàng, mà bạn đã từng nghe Nhà văn Nguyễn Tuân tính toán: “Cái giọt mật làm ra đó, là kết quả của 2.700.000 chuyến (bay). Và trong nửa lít mật ong đóng chai, phân chất ra 5 vạn thứ hoa. Tính ra thành bước chân người thì tổng cộng đường bay của con ong đó là 8 triệu cây số” (tuỳ bút "Tờ hoa" - Nguyễn Tuân). Nhưng ở Cà Mau thì hơi khác một chút xíu, không cần tới 5 vạn thứ hoa, chỉ duy nhất bông tràm cũng đủ để kết tinh thành thứ mật ong hảo hạng nhất. Không phải là tự hào suông, mà bạn hãy tự mình thử bằng các loại mẹo trên google hay kinh nghiệm dân gian, bằng tất cả các giác quan và tấm lòng mình, bạn sẽ tin rằng điều đó là chân thật.

Sáng này, bạn về lại cù lao, ấp ủ trong lòng câu thơ chưa viết. Còn tôi chưa kịp thổ lộ với bạn một điều khác, cũng về U Minh Hạ và rừng tràm, mà đại ý đã được một “người Nam Bộ nhứt trong những người Nam Bộ” - Sơn Nam từng nói: Xứ này mới tới thì vui, ở lâu thời buồn, còn đi xa thời thấy nhớ...

Bút ký của Phạm Quốc Rin

Báo Cà Mau - baocamau.com.vn - Ngày đăng 20/10/2023