Khánh thành quần thể tháp Chăm tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Cập nhật: 27/11/2012
Quần thể tháp Chăm tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã chính thức khánh thành sau hơn 4 năm thi công. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn đã tới dự buổi lễ.

Nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam và chào mừng kỷ niệm 82 năm ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, sáng 23/11, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Ban Quản lý Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã long trọng tổ chức Lễ khánh thành quần thể tháp Chăm.  

Quần thể tháp Chăm tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam được chính các nghệ nhân, thợ lành nghề người Chăm trực tiếp xây dựng, mô phỏng theo cụm tháp Pôklong Garai ở Ninh Thuận theo tỷ lệ 1:1. Quần thể tháp tọa lạc trên diện tích khoảng 4 nghìn m² bao gồm: tháp chính - tháp Kalan cao hơn 20m, tháp cổng - tháp Gopura cao hơn 8m và tháp hỏa - tháp Kosaghra cao hơn 9m. Tháp có 3 tầng được cấu trúc như nhau, càng lên cao càng thu nhỏ dần và kết thúc bằng một Linga bằng đá trên nóc tháp.    

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn bày tỏ niềm vinh dự tự hào trong “Ngôi nhà chung” của cộng đồng các dân tộc Việt Nam có biểu tượng văn hóa mà đồng bào Chăm quan niệm là linh hồn của họ, đó là ngôi tháp cổ Pôklong Garai. Công trình này đã được cán bộ Ban quản lý, thợ thủ công và những người lao động đặt công sức trí tuệ tâm huyết vào từng viên gạch, hòn đá, mài chập, gắn kết, tạo tác từng bước, từng ngày để hình thành vóc dáng đặc biệt của tháp Chăm tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam hôm nay.  

“Sau thời gian dài chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu và hơn 4 năm xây dựng, tạo tác, quần thể tháp Chăm đã hoàn thành, sừng sững in hình trong khung cảnh của “Ngôi nhà chung” khác với các công trình xây dựng thông thường, có thể đo đếm được bằng giá trị vật chất”, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn nhấn mạnh.  

Lễ khánh thành quần thể tháp Chăm được tổ chức đúng vào Ngày Di sản văn hóa Việt Nam càng nhân lên giá trị, sức sống của văn hóa Chăm trong văn hóa các dân tộc Việt Nam. Đây không chỉ là dịp quảng bá, giới thiệu về truyền thống văn hóa tốt đẹp của đồng bào Chăm mà còn là dịp giao lưu, tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.  

Cũng tại buổi lễ, cộng đồng dân tộc Chăm đã tái hiện Lễ Katê, giới thiệu với nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Chăm.    

Được biết, tối 23/11, tại Quảng trường Tây Nguyên, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã diễn ra chương trình nghệ thuật chào mừng Ngày Di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam và Khánh thành Quần thể tháp Chăm với nhiều tiết mục dân ca, dân vũ, dân nhạc đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia và thế giới.

CINET