Trường quay Cổ Loa - nơi không chỉ làm phim
Cập nhật: 19/03/2013
Sau gần 5 năm tiến hành cải tạo, Trường quay Cổ Loa (nằm cách trung tâm Hà Nội hơn 10 km) giờ đây đã thực sự là một trường quay hiện đại và đã chính thức mở cửa đón khách du lịch.

Kinh đô điện ảnh Việt Nam một thời

Có lẽ ít ai biết rằng, hơn 50 năm trước, điện ảnh Việt Nam đã có Trường quay Cổ Loa - trường quay đầu tiên, nơi cho ra đời nhiều tác phẩm điện ảnh kinh điển như: "Chung một dòng sông”, "Chị Tư Hậu”, "Nghêu, sò, ốc, hến”... Trường quay Cổ Loa đã gắn bó với nhiều thế hệ nghệ sĩ, diễn viên, với ngành điện ảnh Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Đến những năm 1980, cùng với những khó khăn, sự thăng trầm của đất nước, Trường quay Cổ Loa dần bị quên lãng và trở nên tan hoang, cỏ mọc um tùm. Năm 2008, Bộ VHTTDL đã quyết định phục hồi và nâng cấp Trường quay Cổ Loa, với nguồn kinh phí của Nhà nước lên tới 108 tỷ đồng.

Trước đó, khi dự án Trường quay Cổ Loa còn chưa hoàn thành, để có bối cảnh cho các bộ phim dã sử, các nhà làm phim phải rất vất vả tự dựng bối cảnh, nếu không muốn phải ra nước ngoài thuê phim trường. Các đoàn làm phim "Huyền sử thiên đô”, "Thái sư Trần Thủ Độ” đã phải dựng tạm lên đó những bối cảnh "sử dụng một lần” để phục vụ 2 bộ phim này với cổng thành được làm bằng gỗ dán, xốp, chỉ qua vài cơn mưa là hỏng, cổng vênh, cánh méo, chẳng còn đóng lại được. Đã có một thời gian dài, điện ảnh Việt Nam thiếu vắng dòng phim lịch sử, dã sử, cổ trang... Sự kiện 1.000 năm Thăng Long như một "cú hích” khiến cho dòng phim này hồi sinh với nhiều dự án đã và đang được triển khai và cũng là lúc thấy nghịch lý hiện rõ: các nhà làm phim luôn kêu thiếu bối cảnh. Vì vậy, khi bắt tay vào bất cứ một dự án phim lịch sử nào đồng nghĩa với việc người làm phim phải làm lại từ đầu tất cả mọi công việc, bỏ rất nhiều chi phí... mà lẽ ra đã có thể tiết kiệm được nếu có kế hoạch bảo tồn một cách khoa học những bối cảnh, đạo cụ, phục trang từ các phim trước.

Qua 5 năm phục hồi, cải tạo, tới nay diện mạo Trường quay Cổ Loa đã có nhiều đổi khác. Trường quay nội cảnh (rộng 400m2, do người Đức xây dựng trước đây) đã được nâng cấp trở thành trường quay hiện đại với hệ thống treo đèn, ghi hình, âm thanh đồng bộ. Hai dãy nhà cũ đã được nâng cấp thành nhà công vụ và nhà nghỉ 3 sao với nhiều phòng VIP dành cho các đoàn làm phim nghỉ ngơi khi đến quay phim tại đây. Mô hình của Cổ Loa là sự hoà trộn của nhiều loại trường quay trên thế giới, tức là vừa có những công trình kiên cố kết hợp quay phim và du lịch, vừa có những nội cảnh dùng cho vài bộ phim rồi giữ lại những bối cảnh hấp dẫn nhất để khai thác du lịch.

Điểm du lịch hấp dẫn

Vào đúng ngày 8-3 vừa qua, Trường quay Cổ Loa đã mở cửa đón những đoàn khách đầu tiên. Thực tế cho thấy rằng, đã có rất nhiều trường quay trên thế giới trở thành những điểm du lịch nổi tiếng và có doanh thu khổng lồ từ khách du lịch trong và ngoài nước. Điển hình nhất là Trường quay phim Hồng Lâu Mộng nằm giữa thủ đô Bắc Kinh, hoành tráng hơn là Trường quay Hoành Điếm hay Trường quay Dae Jang Geum theme park thực hiện bộ phim "Nàng Dae Jang Geum” của Hàn Quốc. Việc nâng cấp, cải tạo Trường quay Cổ Loa đã khiến nơi đây trở thành Trường quay đầu tiên của Việt Nam kết hợp điện ảnh với du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng, góp phần thúc đẩy ngành điện ảnh, cũng như ngành du lịch Việt Nam phát triển.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Hòa - Giám đốc Trường quay Cổ Loa cho biết: Du khách đến đây ngoài việc được giới thiệu về trường quay, sẽ được xem một vài trích đoạn trong những bộ phim đã từng quay tại đây như "Thiên mệnh anh hùng” hay "Thái sư Trần Thủ Độ”, được xem những màn biểu diễn võ thuật trong các trận đánh nổi tiếng xưa, được xem buổi chầu của vua. Thậm chí, du khách có thể hóa thân thành vua, chúa, hoàng hậu và ngồi trên ngai vàng… Tới đây, tour du lịch về thăm Trường quay Cổ Loa sẽ được giới thiệu và quảng bá đến các trường học ở trong và ngoài Hà Nội để các em học sinh có điều kiện đến tham quan du lịch lịch sử, được hòa mình vào bối cảnh phim cổ trang và hiểu thêm về lịch sử Việt Nam… Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ cũng sẽ có cơ hội chụp ảnh hay làm clip về bối cảnh cổ trang truyền thống. Ông Hòa cũng cho biết thêm, tháng 6/2013, Trường quay sẽ xây dựng một rạp chiếu phim 2D để phục vụ khách tham quan và nhu cầu giải trí của người dân trong huyện Đông Anh. Theo dự kiến của trường quay, mỗi tuần sẽ có 3 đến 4 tour vào thứ bảy, chủ nhật đón 150 - 600 khách.

Có thể thấy đây là một tín hiệu mừng, bởi giờ đây không chỉ là một trường quay hiện đại, nơi này còn là một điểm đến hấp dẫn, vừa góp phần tăng doanh thu, đồng thời cũng mở ra một kênh giúp cho việc giáo dục lịch sử thêm sinh động, hấp dẫn.

daidoanket.vn