Ninh Thuận khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch
Cập nhật: 21/06/2013
Nhờ đẩy mạnh cải cách hành chính trong thu hút đầu tư; tăng cường quảng bá hình ảnh và xúc tiến các hoạt động du lịch, nhất là sự sáng tạo để nắm bắt nhu cầu du khách cùng với làm tốt các dịch vụ, cho nên vùng đất Ninh Thuận đầy nắng gió ngày càng được đông đảo du khách tìm đến để khám phá cảnh đẹp thiên nhiên còn nguyên sơ.

Ninh Thuận là vùng đất được thiên nhiên ban tặng nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch như: có biển, có rừng và nhiều loại đặc sản nông nghiệp, nho, hành, tỏi, dê, cừu... nổi tiếng khắp cả nước. Tuy nhiên, do giao thông đường bộ xuống cấp; hệ thống khách sạn, resort, cơ sở lưu trú ít, các loại hình dịch vụ du lịch chưa đa dạng, cho nên nhiều năm qua, du lịch ở Ninh Thuận còn chậm phát triển.

Từ năm 2010 đến nay, để khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có về du lịch bằng chính nội lực, ngoài việc thường xuyên đối thoại để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, UBND tỉnh Ninh Thuận đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ  đồng  để  trùng  tu,  sửa  chữa, nâng cấp nhiều di tích văn hóa, xây dựng đường giao thông đến tận các điểm du lịch vịnh Vĩnh Hy, tháp Chăm, bẫy đá Anh hùng Pi Năng Tắc, làng gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm, các điểm du lịch sinh thái... Hiệp hội du lịch của tỉnh cũng thường xuyên cử cán bộ đi học tập kinh nghiệm ở các tỉnh, thành phố đang phát triển du lịch; phối hợp với các công ty lữ hành quảng bá hình ảnh Ninh Thuận thông qua Năm du lịch quốc gia duyên hải Nam Trung Bộ và tại Hội chợ Du lịch tổ chức tại Liên bang Nga. Qua đó, đã ký kết hợp đồng với các đơn vị Bến Thành Tourist, Fiditour, Vietravel, Saigontourist, Liên Bang Travelink, Công ty Ánh Dương, và Pegas Nga... thành lập các tour du lịch mới hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách người Nga đến Ninh Thuận, tạo được diện mạo mới cho hoạt động du lịch.

Theo đó, các doanh nghiệp mạnh dạn tự xoay xở vốn để sửa chữa, chỉnh trang lại khu du lịch bảo đảm tiêu chuẩn để thu hút du khách quốc tế. Giám đốc Khu du lịch Hoàn Cầu Lê Văn Huy cho biết: "Nhiều khách sạn đầu tư hàng trăm tỷ đồng để nâng cấp. Riêng Công ty Hoàn Cầu, sau khi nâng cấp 300 phòng nghỉ đạt tiêu chuẩn từ hai đến ba sao với kinh phí khoảng chín tỷ đồng và niêm yết giá phù hợp, bước đầu đã thu hút khá đông du khách người Nga đến nghỉ dưỡng thông qua tua do các công ty lữ hành tổ chức".

Ngoài việc đầu tư, các khách sạn như: Sài Gòn - Ninh Chữ, Con gà vàng, Resort Sơn Long Thuận... đã giảm giá phòng và các dịch vụ khác từ 10 đến 15%, vì thế hàng tuần có từ 500 đến 800 du khách người Nga đến nghỉ dưỡng. "Chúng tôi liên kết, chia sẻ kinh nghiệm và đồng loạt đưa ra các giải pháp phục vụ tốt nhất, cho nên thu hút khách quốc tế ngày càng tăng" - Giám đốc Khu Resort Sơn Long Thuận Ðinh Ẩn cho hay.

Ðể du khách quốc tế lưu trú dài ngày, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các khách sạn tổ chức một số hoạt động mới, bổ sung nhiều dịch vụ đáp ứng nhu cầu và tạo sự thân thiện với du khách. Ðơn cử như, các khu du lịch, khách sạn tổ chức chương trình giao lưu âm nhạc vào các ngày nghỉ cuối tuần, tạo không khí sôi động. Chị Xvê-ta (Sveta), du khách người Nga đang lưu trú tại Resort Bàu Trúc hào hứng nói: "Người dân nơi đây thật dễ mến. Tôi có cảm giác đang tận hưởng nhiều điều thú vị nhất tại xứ sở của những người thân thiện, hiền hòa nhất". Còn vợ chồng anh Con-tan-tin (Konstantin) vui vẻ chia sẻ: "Qua giao lưu, chúng tôi thấy nét truyền thống văn hóa Chăm của các bạn rất đặc sắc. Thú vị hơn là chúng tôi được thử làm ca sĩ. Các bạn đã mang đến cho chúng tôi sự gần gũi và thân thiện".

Nắm bắt được tâm lý du khách Nga rất thích các trò chơi thể thao trên biển và nấu ăn, thời gian qua, các khách sạn thường xuyên tổ chức các cuộc thi ẩm thực, mời du khách tham gia. Sau đó, các đầu bếp "gom" lại công thức do du khách thuyết trình và thực hành, rồi nghiên cứu chế biến, bổ sung các món ăn Nga hợp khẩu vị. Tất cả những điều đó càng làm cho du khách thích thú. Hay tổ chức hội thảo về các trò chơi trên biển, như: mô-tô nước, dù bay, phao chuối, ca-nô trên biển, mời du khách trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật để đội ngũ phục vụ cập nhật kiến thức và thực hành tại chỗ, không phải mất thời gian phải đi học tập ở nơi khác... Nhờ cách làm sáng tạo đó, vùng đất đầy nắng, gió này đã tạo ấn tượng tốt, thu hút du khách Nga lưu trú dài hơn. Nếu trước đây vắng khách, thì trong kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, các khách sạn, khu du lịch ở Ninh Thuận "cháy phòng" là chuyện không hiếm.

Nói chuyện với các du khách Nga tại Resort Sơn Long Thuận, ông Ni-cô-lai U-đô-vít-chen-cô (Nikolai Udovichenko), 52 tuổi, cười sảng khoái, nói: "Các bạn tổ chức những hoạt động vui chơi, giải trí vừa thu hút du khách tham gia, vừa học tập được kinh nghiệm để làm du lịch tốt hơn là cái mới, chưa thấy nơi nào làm". Trong những ngày lưu trú, ông rất tự hào khi được mời làm huấn luyện viên kỹ thuật điều khiển dù lượn trên không. "Tôi vừa gọi điện thoại giới thiệu với gia đình, bạn bè về vùng đất ấm áp và thân thiện của các bạn, sắp tới bạn bè tôi sẽ đến đây, giúp các bạn nhiều hơn" - ông Ni-cô-lai U- đô-vít-chen-cô cho biết. Còn du khách Nhật Bản Yu-ki Ya-to bộc bạch: "Tôi đến Ninh Thuận nhiều lần, rất thích khám phá sự độc đáo văn hóa Chăm của các bạn, vì có những nét tương đồng với nền văn hóa Nhật, nhất là các lễ hội".

Từ đầu năm đến nay, thông qua các tour du lịch của Công ty Ánh Dương và Hãng lữ hành Quốc tế Bi-gát (Pegas, Thổ Nhĩ Kỳ), Ninh Thuận đón 620 nghìn lượt du khách, trong đó khách nước ngoài hơn 36 nghìn lượt (tăng 23% so với cùng kỳ). Toàn tỉnh hiện có 68 cơ sở kinh doanh lưu trú đều đạt chuẩn, bảy khách sạn từ 2 đến 5 sao, với 1.620 phòng. Thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch đạt hơn 260 tỷ đồng. Ðến Ninh Thuận, khi thức dậy du khách tha hồ ngắm bình minh tỏa nắng vàng lấp lánh vùng biển. Thỏa thích vui đùa trên những bãi biển đầy nắng và ngắm cảnh mặt trời lặn dần sau những dãy núi xa. Chiêm ngưỡng, khám phá vẻ đẹp bí ẩn của những tháp Chăm, xem các nghệ nhân biểu diễn làm đồ gốm theo phương thức thủ công cổ xưa nhất Ðông - Nam Á; xem các thiếu nữ nhịp nhàng bên khung dệt truyền thống, dệt ra những tấm thổ cẩm đẹp có điểm những hoa văn đặc sắc của người Chăm; nghe các nghệ nhân biểu diễn các loại nhạc cụ Chăm độc đáo; tham quan những vườn nho đang cho trái chín mọng; ngồi trên tàu đáy kính xem rạn san hô đa dạng tại vịnh Vĩnh Hy, ngồi trên nhà hàng nổi bồng bềnh, tha hồ thưởng thức hàng trăm món hải sản còn tươi sống. Ngày càng đông những nhóm du lịch kiểu "phượt" cũng đến khám phá vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho nơi đây.

Ninh Thuận đang đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để phát triển các điểm du lịch đặc trưng có sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng cao, gồm: Làng nghề truyền thống gốm Bàu Trúc, dệt Mỹ Nghiệp, Tháp Pô-Klong Ga-rai, vườn nho Thái An, vịnh Vĩnh Hy. Trong năm nay, Khu du lịch sinh thái cao cấp Nam Núi Chúa được xây dựng tại Vĩnh Hy có vốn đầu tư hàng chục triệu USD. Ðặc biệt, tuyến đường ven biển từ Vĩnh Hy đến Phú Thọ - Mũi Dinh dài hơn 100km sắp hoàn thành tạo thuận lợi để du khách đến với Ninh Thuận.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Võ Ðại cho biết: Với chiến lược khai thác tiềm năng lợi thế để phát triển du lịch đa dạng theo mô hình sinh thái biển - rừng kết hợp cộng với hơn 40 di tích văn hóa và lịch sử, trong đó có 14 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, tin chắc du lịch Ninh Thuận sẽ có tên trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Báo Nhân Dân