Làng Teng với nghề thổ cẩm
Cập nhật: 15/07/2008
Làng Teng (Plây Teng) nay thuộc xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi.

Làng Teng mang nhiều nét điển hình của một Plây người dân tộc H're, từ vị trí lập làng nằm dưới chân những ngọn đồi thấp gần con nước sông Liêng đến cách bố trí những ngôi nhà sàn theo hình cánh cung hoặc hình xương cá, vừa nối kết với nhau bằng những sơn đạo vừa có sự phân lập từng nhà, từng gia đình bằng những rào tre xinh xắn, đều tăm tắp, vây quanh mảnh vườn riêng trồng nhiều cây ăn quả.

Làng Teng nổi tiếng với những cô gái H're xinh đẹp, kín đáo, mắt đen lay láy. Làng Teng cũng nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm lâu đời được biết đến khắp vùng đồng bào dân tộc ít người miền Tây các tỉnh Nam Trung bộ.

Nguyên liệu dệt thổ cẩm làng Teng là cây bông. Loại cây này được trồng thành từng rẫy, xuống giống vào khoảng tháng 3, tháng 4 và thu hoạch vào tháng 8, tháng 9 hàng năm. Từ việc thu hoạch quả bông đến khi chế biến thành sợi dệt phải trải qua nhiều công đoạn: Ban đầu là việc tách hột ra khỏi quả để lọc lấy bông trắng bằng một dụng cụ có tên là Plặ; tiếp đến là nhồi, đập cho bông mịn rồi đem phơi; phơi xong lại dùng một dụng cụ bằng gỗ (gọi là trui) để cuốn sợi bông vào một khung nứa. Những cuốn sợi bông này được đem ngâm, nấu với nước cơm và nguyên liệu nhuộm màu, sau đó phơi khô để thành sợi dệt. Nếu như trong nghề dệt truyền thống của người kinh ở vùng đồng bằng, công đoạn nhuộm màu phổ biến tiến hành sau khi vải đã dệt thành mảnh thì trong nghề dệt thổ cẩm của người H're việc nhuộm màu được làm đồng thời với giai đoạn nấu sợi bông trong nước cơm. Làm như thế để có được những cuộn sợi có màu sắc khác nhau trước khi đưa vào dệt.

Trên một mảnh thổ cẩm, chủ yếu xuất hiện 3 màu đen, đỏ, trắng. Đây cũng là ba màu gắn liền với tín ngưỡng, thẩm mỹ của hầu hết các dân tộc ít người miền Tây các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Màu trắng là màu nguyên gốc của sợi bông. Thuốc nhuộm (màu đỏ và màu đen) lấy từ nguyên liệu gốc, là vỏ các loài cây bản địa như: chôm chôm rừng (anhãnh plicanhoạc), cây trâm (anhãnh loang klâm), cây sim (anhãnh loang sim), ... Đem các loại vỏ cây này sàng sấy kỹ lưỡng rồi giã mịn, đun sôi với nước suối là có được dung dịch màu. Dung dịch này khi lọc bỏ bả sẽ còn lại nước màu. Liều lượng gia giảm của các loại vỏ cây và phụ gia cho ra tương ứng thuốc nhuộm màu đen hoặc màu đỏ. Khi nấu sợi bông với nước cơm, người ta cho luôn cả nước màu vào để nhuộm sợi. Các sợi chỉ màu được cuốn thành từng cuộn. Số lượng nhiều ít các cuộn sợi màu đen, đỏ hoặc nguyên trắng dùng để dệt một mảnh thổ cẩm được tính toán ngay từ giai đoạn nhuộm một cách thuần thục để tránh sự thừa thiếu không cần thiết, gây hao phí nguyên liệu. Trước khi dệt, người phụ nữ chia các cuốn sợi màu thành từng nhóm tùy theo khổ của mảnh thổ cẩm muốn dệt và sự lựa chọn mô típ hoa văn ưa thích. Dụng cụ dệt của đồng bào làng Teng không khác mấy so với đồng bào các làng H're khác cũng như đồng bào các dân tộc miền Thượng (Xê Đăng, Giẻ Triêng, MNông,...) gồm nhiều thanh gỗ, ống nứa hoặc lồ ô có tác dụng giăng sợi và phục vụ thao tác đan sợi ngang vào thảm sợi dọc. Khi dệt, người thợ ngồi bệt trên sàn nhà. Thảm chỉ dọc phía trước mặt được kéo căng ra bằng hai thanh nứa ngang. Một thanh dùng dây buộc vào thắt lưng người thợ; thanh kia buộc vào sàn nhà. Khi mảnh thổ cẩm được dệt xong, các dụng cụ dệt được tháo ra thành những bộ phận rời, vì thế người ta gọi đây là phương pháp dệt vải không có khung dệt, khác với cách dệt vải truyền thống sử dụng khung dệt của người kinh.

Sản phẩm dệt thổ cẩm làng Teng là các loại váy, khố, khăn, đai, vải địu con với nhiều mô típ hoa văn (chữ chi, hình vuông, hình thoi, tam giác...) kết hợp thành những biểu tượng các loài cây cỏ, chim muông, thể hiện những ý niệm về tín ngưỡng, sinh hoạt, đời sống... Ngoài việc đáp ứng nhu cầu của gia đình, trao đổi với bà con trong làng và các làng lân cận, sản phẩm dệt thổ cẩm làng Teng đã dần dần mở rộng, trao đổi (chủ yếu theo phương thức hàng đổi hàng) với những vùng xa hơn, vượt ra khỏi địa bàn cư trú đồng bào dân tộc H're đến với nhiều vùng miền Tây Quảng Ngãi, Kon Tum.

Ngày nay, ngoài sợi bông truyền thống, bà con còn sử dụng cả những sợi chỉ màu có sẵn trên thị trường. Tuy nhiên, những màu nền và những môtíp hoa văn truyền thống cũng như cách dệt vẫn được bảo lưu, gìn giữ.
Báo Du lịch