Mùa xuân về thăm chốn Tổ Vĩnh Nghiêm
Cập nhật: 03/04/2012
“Ai qua Yên Tử, Quỳnh Lâm Vĩnh Nghiêm chưa tới, thiền tâm chưa đành” Câu ca dao như một minh chứng nếu Hoa Yên - Yên Tử là kinh đô của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thì chùa Vĩnh Nghiêm (chùa Đức La) – ngôi chùa mang đậm nét kiến trúc đặc trưng vùng Bắc Bộ, thuộc thôn Quốc Khánh, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang là chốn tổ của thiền phái này, đồng thời là trường Đại học Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam.

Từ  thành phố Bắc Giang, theo quốc lộ 31 khoảng 5km tới ngã ba Đìa (thị trấn Tân Dân, huyện Yên Dũng), rẽ phải đi tiếp theo đường 299 khoảng 15km nữa, du khách sẽ đến chùa Vĩnh Nghiêm.

Chùa có tên chữ là Vĩnh Nghiêm Tự, tọa lạc trên một quả đồi thấp hình con rùa, lưng tựa vào núi Cô Tiên thuộc dãy Phượng Hoàng, mặt hướng ra cánh đồng bao la, rộng lớn.

Lịch sử hình thành và phát triển của chùa gắn liền với bốn triều đại Lý - Trần – Lê - Nguyễn. Tương truyền, chùa được khởi dựng từ thời Vua Lý Thái Tổ (1010-1028) nhưng được mở rộng với quy mô lớn hơn vào thời Trần - thời điểm mà Phật giáo nước ta ở vào giai đoạn cực thịnh. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, sau khi lãnh đạo nhân dân đánh thắng giặc Nguyên Mông vào năm 1285 và năm 1288, Vua Trần Nhân Tông đã xuất gia tu hành ở Yên Tử (Quảng Ninh) và lập nên thiền phái Trúc Lâm tại đây. Thời gian này,  nhà vua và các môn đồ thường xuyên đi tìm những nơi có vị trí đẹp để mở trường dạy thuyết pháp đào tạo tăng đồ. Trong một lần đi qua khu vực chùa Vĩnh Nghiêm, thấy cảnh trí non xanh, nước biếc, làng quê trù phú, có vị trí chiến lược nên nhà vua đã ngự lại chùa và cho xây dựng, mở rộng chùa thành trung tâm Phật giáo lớn lúc bấy giờ. Về sau, hai vị thiền sư Pháp Loa và Huyền Quang là học trò của ông cũng ngụ tại chùa.

Vào thời Lê, Nguyễn, chùa được trùng tu, tôn tạo thêm và kiến trúc hiện nay của chùa đa phần mang đậm phong cách văn hóa hai triều đại này. Được dựng theo kiểu “nội công, ngoại quốc”, trên tổng diện tích là 10.000m², chùa bao gồm 7 công trình nằm trên cùng một trục, mặt quay hướng đông nam là: tam quan, khu vườn tháp, chùa chính, nhà Tổ đệ nhất, gác chuông, nhà Tổ đệ nhị và hai dãy hành lang.

Tam quan chùa cao trên 7m, rộng 7m, được xây dựng theo kiểu chồng diêm 8 mái. Qua tam quan khoảng 100m là khu vườn tháp - nơi đặt xá lỵ của các vị sư đã từng trụ trì chùa. Đi tiếp theo con đường nhỏ, du khách sẽ đến chùa chính hình chữ công, gồm 3 tòa: Tiền đường (7 gian 2 chái), Thiêu hương (3 gian) và Thượng điện (3 gian 2 chái) với lối kiến trúc theo kiểu “tàu bẩy đao lá”, mái 4 đao 8 kèo kiểu “con chồng”, “thượng tam hạ tứ”. Bên trong chùa đặt hệ thống tượng Phật bằng gỗ được chạm khắc công phu, mang màu sắc khác nhau như vàng kim, nâu trầm. Các cửa võng của chùa được sơn son thiếp vàng và chạm khắc nhiều họa tiết sinh động như: hoa, lá, chim muông; phía trên có treo các bức hoành phi đại tự lớn.

Nằm ngay sau chùa chính là nhà Tổ đệ nhất thờ 3 vị Trúc Lâm tam Tổ là Trần Nhân Tông (1258-1308); Pháp Loa (1284-1330) và Huyền Quang (1254-1334). Nhà Tổ được dựa theo hình chữ công, gồm 3 tòa: Đại bái (5 gian), Ống muống (1 gian 2 chái) và Hậu cung (3 gian 2 chái). Cả ba tòa đều có bộ khung cột với kết cấu vì “chồng rường bẩy hiên” và vì kèo đơn giản. Trên hệ thống ván gió có nhiều mảng điêu khắc, trang trí hình vân xoắn mang phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ 17. Kế tiếp nhà Tổ đệ nhất gác chuông 2 tầng 8 mái, trong đó tầng 1 là nơi tiếp khách, tầng 2 là nơi treo những quả chuông, đặc biệt có quả chuông lớn niên hiệu Minh Mạng thứ 11 (1830).  Bộ khung cột của gác chuông gồm 4 cột cái và 12 cột quân. Đi qua gác chuông sẽ đến nhà Tổ đệ nhị với kiến trúc hình chữ nhị, gồm 11 gian đại bái và 3 gian chuôi vồ. Đây vừa là trai phòng, vừa là nơi thờ phụng các vị sư đã từng trụ trì chùa. Nhà Tổ có bộ khung cột với kết cấu vì kiểu kẻ chuyền và “chồng rường bẩy hiên”.

Nằm hai bên phải và trái của chùa chính và nhà Tổ đệ nhị là hai dãy hành lang, mỗi dãy có 11 gian, dùng để tiếp khách trong những dịp lễ Tết, hội. Trong khuôn viên chùa trồng nhiều cây cổ thụ tỏa bóng mát, trong đó nhiều cây có niên đại hơn 300 năm như:  trầm, lan, đại, hoa nhập nhân...

Bên cạnh kiến trúc đặc sắc, chùa Vĩnh Nghiêm còn lưu giữ được nhiều cổ vật có giá trị như: hệ thống tượng Phật; hương án; đỉnh đồng; chuông đồng; các bức hoành phi; câu đối; 7 tấm bia đá mô tả cảnh đẹp cũng như ghi lại lịch sử xây dựng, trùng tu chùa, bao gồm: bia cổ niên đại Hoằng Định thứ 7 (1606), Hoằng Định thứ 8 (1607), Bảo Thái thứ 6 (1725), Cảnh Hưng thứ 20 (1759), Thành Thái thứ 2 (1890), Bảo Đại thứ 7 (1932) và Bảo Đại thứ 10 (1935). Đặc biệt, trong chùa còn có kho ván in với 3050 bản ván chữ Hán và chữ Nôm bằng gỗ với kích thước trung bình 33cm x 23cm x 25cm, ghi lại các bộ kinh sách nhà Phật, trong đó có nhiều bản kinh quý giúp hiểu rõ hơn về Phật giáo thời Trần và thiền phái Trúc Lâm như: Yên Tử nhật trình, Thiền tông bản hạnh, Thiền tịnh phú... ; sách về sự nghiệp của các vị cao tăng có nhiều cống hiến cho sự phát triển của Phật giáo cùng nhiều sách hướng dẫn cách chữa bệnh bằng những cây thuốc dân gian... Đây là những bộ sách có giá trị vô cùng to lớn đối với việc nghiên cứu Phật học, khoa học, văn học, lịch sử.

Phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, đồng thời bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, hàng năm, chính quyền và người dân địa phương cùng phối hợp tổ chức lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm vào ngày 14/2 âm lịch với các nghi lễ, hoạt động văn hóa phong phú như: dâng hương, dâng hoa báo công, đấu vật, cờ người…, nhằm tri ân công đức của 3 vị tam Tổ và phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân địa phương và du khách gần, xa.

Năm 1964, chùa Vĩnh Nghiêm đã được Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra quyết định công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia.



                                                                  Thanh Hải (TTTTDL) biên tập