Tràng An phát triển du lịch dựa vào cộng đồng
Cập nhật: 03/08/2012
Với những đóng góp tích cực như thu nhập người dân tăng hơn 10 lần, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao hiểu biết về văn hóa và ngôn ngữ, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao hiểu biết xã hội và kỹ năng nghề đã tạo cho Khu Du lịch sinh thái Tràng An - mệnh danh “Hạ Long cạn” là một ví dụ điển hình về phát triển du lịch dựa vào cộng đồng.

Nằm ở khu vực Đông Bắc đồng bằng Bắc Bộ, Khu Du lịch sinh thái Tràng An là một thắng cảnh đặc biệt về văn hóa, tự nhiên và đang trong quá trình chuẩn bị hồ sơ để UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới1 (Quần thể danh thắng Tràng An là một trong bảy địa điểm mà Việt Nam đưa vào danh sách dự kiến trình UNESCO công nhận là di sản thế giới). Khu vực này cũng được coi là “bảo tàng sống về địa chất” với hơn 500 loài thực vật, 73 loài chim, 41 loài động vật và 31 loài bò sát. Nhiều nghề thủ công truyền thống lâu đời tại khu vực như thêu ren, làm gốm và tạc đá vẫn được bảo tồn.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường lập quy hoạch, kế hoạch phát triển Khu Du lịch sinh thái Tràng An. Đây là lựa chọn tuyệt vời để người dân địa phương thay thế nghề nông truyền thống: Khu du lịch có diện tích khoảng 5.000 hecta, với trên 1.000 đò do Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường làm chủ sở hữu và người dân địa phương trực tiếp quản lý.

Trước đây, người dân địa phương chủ yếu làm nông nghiệp. Khi du lịch phát triển tại Tràng An, nhiều người dân đã tham gia vào việc chèo đò với mức thu nhập cao hơn cho gia đình (một người nông dân thu nhập trung bình 300.000 đ (khoảng 12 Euro) một tháng; một người chèo đò thu nhập khoảng 3.000.000 đ (khoảng 117 Euro) một tháng – tăng gấp 10 lần).

Cùng với việc tăng thu nhập, việc chèo đò du lịch tại Khu Du lịch sinh thái Tràng An cũng góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, xóa đói giảm nghèo, nâng cao kỹ năng và tăng cường hiểu biết về văn hóa, xã hội cũng như ngôn ngữ. Người dân địa phương cũng được giáo dục về bảo vệ môi trường, tầm quan trọng và ích lợi của việc bảo tồn giá trị di sản văn hóa, đồng thời khuyến khích khách du lịch giữ gìn vệ sinh môi trường chung tại Khu Du lịch sinh thái Tràng An.

Hàng nghìn khách du lịch Việt Nam và nước ngoài hàng ngày đến tham quan và trải nghiệm tại Tràng An - nơi được biết đến như “Hạ Long cạn” - với một ấn tượng về danh tiếng toàn cầu và vị thế của một di sản thế giới của UNESCO.

Tuy nhiên, số đông khách du lịch đến đây với tinh thần trách nhiệm - trách nhiệm để bảo vệ tự nhiên và di sản văn hóa và đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai. Hiện tại, không có bất cứ giới hạn nào về việc đón khách du lịch tới tham quan Khu Du lịch sinh thái Tràng An. Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình và Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đã có kế hoạch mở rộng diện tích khu vực này từ 5.000 hecta lên 12.000 hec ta, với nhiều khu vực chức năng khác nhau như Khu vực đón tiếp và hướng dẫn khách tham quan, Trung tâm tổ chức sự kiện (MICE), Khu du lịch hang động, Khu tâm linh (Chùa Bái Đính) và Khu công viên văn hóa. Các lộ trình và tour du lịch mới đang được mở rộng.

Khu Du lịch sinh thái Tràng An là điểm đến du lịch ấn tượng và đặc biệt của Việt Nam với những minh chứng rõ ràng về việc mang lại lợi ích nhiều mặt cho cộng đồng địa phương. Để duy trì những tác động tích cực này trong tương lai, cần thiết phải quản lý khu vực một cách có trách nhiệm với sự tham gia của cộng đồng địa phương.

Vụ Hợp tác Quốc tế - Tổng cục Du lịch