Lập hồ sơ Mo Mường là di sản văn hóa quốc gia
Cập nhật: 04/10/2012
Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTTDL) sẽ phối hợp với Sở VHTTDL Hòa Bình lập hồ sơ Mo Mường là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đây là một trong số các nhiệm vụ mà Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh giao cho các cơ quan trực thuộc Bộ trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình về công tác quản lý nhà nước với sự nghiệp phát triển VHTTDL chiều 3/10 tại Hà Nội.

Tham dự buổi làm việc có ông Hoàng Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hòa Bình; ông Bùi Văn Tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình; lãnh đạo các cục, vụ, tổng cục… thuộc Bộ VHTTDL và đại diện các sở, ban ngành tỉnh Hòa Bình.

Hòa Bình cần bảo tồn, gìn giữ và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng 

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình đã báo cáo Bộ trưởng các thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Các hoạt động thể thao, du lịch của tỉnh cũng có những thành tựu đáng kể. Đặc biệt, trong lĩnh vực văn hóa, Hòa Bình luôn quan tâm công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc. 38 lễ hội tiêu biểu của các dân tộc đã được duy trì, khôi phục; lập hồ sơ xếp hạng 5 di tích quốc gia, 8 di tích cấp tỉnh. Đến nay toàn tỉnh có 38 di tích xếp hạng di tích quốc gia, 25 di tích cấp tỉnh đang được bảo vệ, quản lý và phát huy giá trị. Nhiều hoạt động nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa dân tộc tiêu biểu được tổ chức như “Ngày hội văn hóa, thể thao Mường toàn quốc năm 2007”; “Lễ hội văn hóa Cồng chiêng tỉnh Hòa Bình lần thứ nhất, năm 2011”…

Hiện các dân tộc tỉnh Hòa Bình đang lưu giữ gần 10 nghìn chiếc cồng chiêng. Lãnh đạo tỉnh Hòa Bình đề nghị Bộ trưởng quan tâm giúp đỡ tỉnh trong việc xây dựng bảo tàng Hòa Bình; cho chủ trương lập hồ sơ khoa học đề nghị UNESCO công nhận Mo Mường là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới; đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa; đăng cai tổ chức Những ngày văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc Tây Bắc năm 2013…

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho rằng, trước mắt, cần lập hồ sơ Mo Mường là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bên cạnh đó, Bộ trưởng giao các cục, vụ liên quan giúp đỡ Hòa Bình thực hiện các nhiệm vụ như xây dựng chương trình Những ngày văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc Tây Bắc năm 2013, xây dựng bảo tàng tỉnh Hòa Bình…

Bộ trưởng cũng đề nghị lãnh đạo tỉnh Hòa Bình quan tâm phát triển du lịch đặc biệt là du lịch làng bản. Bởi Hòa Bình có lợi thế gần Hà Nội, cảnh quan đẹp, nếu đẩy mạnh du lịch sẽ thu hút được lượng khách Hà Nội nghỉ dưỡng dịp cuối tuần. Với các lễ hội, Bộ trưởng đề nghị tỉnh nên quy hoạch, trả lễ hội về cho nhân dân, đặc biệt là các lễ hội truyền thống. Với Mo Mường phải đảm bảo giữ gìn bản sắc, không để biến dạng.

Bộ trưởng cũng đề nghị tỉnh xem xét khảo sát đời sống văn hóa đồng bào các tỉnh vùng sâu vùng xa. Các nhà văn hóa ở làng bản vùng sâu vùng xa đã có thì phải có hoạt động thực chất… Đặc biệt, lãnh đạo địa phương nên gặp gỡ, tiếp xúc, động viên các nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa, những người truyền giữ văn hóa từ xa xưa… Bảo tồn, gìn giữ và phát huy cồng chiêng Hòa Bình, không được để thất thoát kho di sản quý giá 10 nghìn cồng chiêng.

Báo Tổ quốc