Báo cáo kết quả hoạt động của năm Ngoại giao Văn hóa 2009 và mục tiêu trọng tâm năm 2010
Cập nhật: 25/01/2010
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta tiếp tục được triển khai tích cực, chủ động và toàn diện theo hướng đa phương hóa, song có trọng tâm, trọng điểm nhằm giữ vững hòa bình, an ninh ổn định, góp phần khắc phục tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu. Một trong những công tác đó là công tác Ngoại giao văn hóa.

Theo ông Phạm Sanh Châu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO (Bộ Ngoại giao), thành công lớn nhất của công tác Ngoại giao văn hóa năm 2009 là tạo được một bước chuyển biến cơ bản trong nhận thức và hành động của lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo các cấp, các ngành trong và ngoài nước về sự cần thiết và tầm quan trọng của công tác này. Nhờ có sự chuyển biến đó mà hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đã được quảng bá rộng rãi và sâu đậm tới các châu lục trên thế giới. Cụ thể:

Với vai trò mở đường, khai thông văn hóa giao lưu, đối ngoại, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước mà trước đó Việt Nam ít có hoạt động giao lưu, liên kết, có thể kể đến một số hoạt động như: tuần văn hóa Việt Nam tại Myanmar, Nam Phi; các chương trình văn hóa, nghệ thuật giới thiệu đất nước, con người Việt Nam tại khu vực Nam Mỹ (Brazil, Venezuela, Mexico)...

Với vai trò xúc tác thắt chặt quan hệ hợp tác, các hoạt động văn hóa được lồng ghép bài bản vào các hoạt động ngoại giao chính trị, kinh tế như: triển lãm Không gian văn hóa Việt Nam tại Nhật Bản, triển lãm sách, tranh tại Hồng Kông, Ma Cao (Trung Quốc), tuần Việt Nam tại Anh và Cộng hòa Ailen, sự kiện Meet Vietnam tại San Francisco (Hoa Kỳ), đề án “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam ở nước ngoài”,...

             Bãi Hương trên đảo Cù Lao Chàm

Với vai trò vận động nhằm phát huy vị thế của Việt Nam. Việt Nam đã vận động và tiếp tục được bầu chọn là Ủy viên Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2009-2013. Năm nay cũng là năm Việt Nam có được nhiều danh hiệu tầm quốc tế như: Vịnh Lăng Cô được kết nạp là thành viên thứ 28 Câu lạc bộ các Vịnh đẹp nhất thế giới, khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm và Mũi Cà Mau được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới; quan họ Bắc Ninh và hát Ca trù được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể, mộc bản Triều Nguyễn được xếp vào danh sách Di sản Tư liệu thuộc chương trình ký ức thế giới.

Năm 2009 là năm nở rộ các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch ở cả trong và ngoài nước, điển hình như:

Giới thiệu hình ảnh Việt Nam trên các kênh truyền hình: BBC World, CNN; hệ thống xe taxi ở London (Anh); 10 tạp chí Văn hóa - Du lịch nổi tiếng thế giới, trong đó có Tạp chí của UNESCO.

Đón 21 đoàn làm phim đến Việt Nam thực hiện các bộ phim về tiềm năng, đất nước con người Việt Nam.

Cử gần 400 đoàn ra nước ngoài và đón khoảng 200 đoàn quốc tế vào Việt Nam biểu diễn, giao lưu, chưa kể các đoàn vận động viên và các đoàn vào Việt Nam xúc tiến du lịch.

Bộ Ngoại giao đã tổ chức nhiều chuyến thăm và vận động bầu chọn cho các địa danh nổi tiếng với các phái đoàn ngoại giao tại Việt Nam như: vịnh Hạ Long.

Trên khía cạnh tiếp thu tinh hoa văn hóa, Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiếp thu kinh nghiệm quốc tế có chọn lọc để xây dựng và hoàn chỉnh Đề án chiến lược Ngoại giao văn hóa. Sự phối hợp chặt chẽ giữa hai bộ là tiền đề quan trọng tạo nên những thành công trong năm Ngoại giao văn hóa 2009 và hướng tới mục tiêu trọng tâm năm 2010.

Năm 2010, công tác Ngoại giao văn hóa sẽ tập trung vào 4 chủ đề chính: Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, kỷ niệm thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều nước, quảng bá hình ảnh Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN; phối hợp với các nước làm tốt vai trò là thành viên của Hội đồng chấp hành UNESCO.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động để UNESCO công nhận Hoàng thành Thăng Long, Thành Nhà Hồ là di sản văn hóa thế giới, Phong Nha - Kẻ Bàng là di sản thiên nhiên thế giới lần 2 theo tiêu chí đa dạng sinh học, Bia tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám là Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương với tên gọi “Hồ sơ Bia đá các khoa thi triều Lê - Mạc (1442 - 1779)”, Cao nguyên đá Đồng Văn là Công viên Địa chất toàn cầu, xây dựng mới hồ sơ Hát Xoan, Lễ hội Hùng Vương, Đờn ca tài tử Nam Bộ… trình UNESCO…

Mặt khác, tăng cường quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam thông qua một số hoạt động như: Festival Huế, Lễ hội pháo hoa ở Đà Nẵng... 



                                                                                                                  Thanh Hải biên tập
TITC