Lễ hội ẩm thực “Ngày hội quê tôi” tại TP Hồ Chí Minh
Cập nhật: 20/02/2008
Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh và Saigontourist sẽ tổ chức chương trình ẩm thực “Ngày hội quê tôi” tại làng du lịch Bình Quới trong ba ngày 22, 23 và 24/2/2008.

Thời gian của lễ hội diễn ra từ 17:00 đến 22:00. Chương trình tập trung giới thiệu các nét văn hóa đặc sắc trong sinh hoạt hội hè và ẩm thực dân gian Việt Nam.

Điểm khác biệt của lễ hội lần này là ở cách bài trí không gian tổng thể hài hòa và hợp lý hơn. Các làng nghề và chợ quê được sắp đặt xen kẽ với khu ẩm thực. Du khách vừa thưởng thức món ăn, vừa xem văn nghệ, họat động của các làng nghề thủ công truyền thống và chợ quê ở bất cứ vị trí nào tại lễ hội.

Những nội dung đặc sắc của chương trình gồm có:

Ẩm thực

Giới thiệu những món ăn đặc sắc nhất của các vùng miền: Bắc, Trung, Nam, Việt Bắc, Tây Nguyên được chọn từ những món ăn được ưa chuộng nhất của lễ hội năm trước như: thắng cố, bún súng Bà Rịa, bánh cống Sóc Trăng, lợn quay Việt Bắc, bánh canh Bến Có - Trà Vinh, phở chua Lạng Sơn, đồng thời bổ sung thêm một số món mới như: trứng gà nướng Sa Pa, chuột đồng Cao Lãnh nướng, chim mía Tây Sơn nướng, vịt nướng lá dâu, gỏi ba khía Bạc Liêu...

Đặc biệt, các đầu bếp Huế thực hiện các món bánh lá Huế, các đầu bếp dân gian Sóc Trăng thực hiện các món đặc sản bánh cống Sóc Trăng, bún nước lèo Sóc Trăng, sàm lo cò cô (Khmer), các đầu bếp dân tộc buôn Đôn Đắc Lắc thực hiện các món cơm lam, gà Tây Nguyên nướng.

Phần “ẩm” sẽ giới thiệu bộ sưu tập rượu dân gian Việt Nam với nhiều loại rượu nổi tiếng như: Bó Nặm (Bắc Kạn), San Lùng (Lào Cai), Làng Vân (Bắc Giang), Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Tùng Bá (Hà Giang), Kim Long (Quảng Trị), Hồng Đào (Quảng Nam), Bàu Đá (Bình Định), Gò Đen (Long An), Phú Lễ (Bến Tre), rượu Sim (Phú Quốc), rượu Ama Công (Đắc Lắc), rượu cần, các loại rượu thuốc…

Chợ quê tái hiện lại cảnh đời sống, sinh hoạt ngày xưa làm nên chợ quê của các vùng, miền trên đất nước Việt Nam. Một chợ quê đúng nghĩa “buôn gánh bán bưng” với những gánh hàng rong, tiếng rao hàng.

Đặc biệt, nhà cổ Nam Bộ tái hiện cảnh sinh hoạt gia đình trưởng giả ngày xưa ở Nam Bộ cũng là một nét mới của ngày hội năm nay.

Các trò chơi dân gian

Giới thiệu đến du khách “cuộc dạo chơi của các thế hệ ông, cha và con”, tái hiện các trò chơi dân gian hiếm thấy tưởng như đã bị mai một, những trò chơi đồng quê của cha ông thuở nào: bịt mắt đập niêu, ném còn, leo cột mỡ, đi cầu thăng bằng, thẩy banh ngựa, nhảy sạp, đi cà kheo, đá sâu, đá cá, chơi cờ, viết thư pháp, giới thiệu bộ sưu tập đồ chơi xưa và hướng dẫn làm đồ chơi: nặn tò he, làm thuyền, các đồ chơi làm bằng lá dừa nước, tre, trúc; nặn tượng bằng đất sét, tô màu, thổi bong bóng xà phòng bằng ống đu đủ… Tặng và bán đồ chơi cho trẻ em: kèn kéo, đánh xèng, chong chóng tre, kèn bong bóng, pháo giấy, giấy lật, ống thụt, trống lắc, kèn 12 con giáp, bong bóng bay, rùa giấy, chuột giấy, rắn giấy...

Biểu diễn nghệ thuật dân gian

Các đoàn nghệ thuật đến từ một số tỉnh trong nước sẽ biểu diễn nghệ thuật dân gian: Hát chèo, hát tuồng, hát xẩm, dân ca Huế và Nam Trung Bộ, đờn ca tài tử Nam bộ, hát đồng giao, nhạc ngũ âm Khmer (Mỹ Tú, Sóc Trăng), múa Chăm và nhạc Paranưng tỉnh Ninh Thuận, trống khai hội, múa lân, diễn tấu nhạc cụ tre nứa dân gian Tây Nguyên của nghệ nhân Bản Đôn Đắc Lắc, nhạc võ Tây Sơn của đoàn nghệ thuật Bảo tàng Quang Trung tỉnh Bình Định.

Hoạt động của một số làng nghề truyền thống

Giới thiệu hoạt động và quy trình sản xuất ra sản phẩm thủ công của một số làng nghề truyền thống các địa phương như: đan rổ, làm cần xé, làm thúng, dệt chiếu, chằm nón, dệt thổ cẩm, làm đồ gốm, nấu rượu, làm đậu hũ, tráng bánh tráng, làm bún, bánh hỏi, đan lưới…

Đây là dịp để công chúng và khách nước ngoài khám phá những điều thú vị trong nền văn hóa Việt Nam.
Báo Nhân Dân