Quảng Nam: Đánh thức du lịch hồ, đầm phá
Cập nhật: 01/02/2021
Mạng lưới hồ, đầm, phá trên địa bàn tỉnh vô cùng đa dạng và tạo ra hệ sinh thái cảnh quan hữu tình, tuy nhiên chức năng chính hiện nay chủ yếu vẫn dùng để bảo vệ nguồn nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội trong khi việc chọn lọc nhằm khai thác du lịch hầu như còn bỏ ngỏ.

Chèo thuyền Kayah trên hồ Phú Ninh trong khuôn khổ cuộc thi Raid Amazones 2019. Ảnh: H.S

Manh mún, tự phát

Nhắc đến loại hình du lịch này trên địa bàn tỉnh thì hồ Phú Ninh chính là điểm đến nổi tiếng nhất, đã định hình thương hiệu từ lâu. Du khách đến đây có thể thỏa thích đắm mình trong dòng nước khoáng ấm, thưởng ngoạn khung cảnh hoang sơ và trải nghiệm các trò chơi dưới nước như xe đạp nước, chèo thuyền kayak hoặc đạp vịt… Mặc dù vậy, điểm đến này mới chỉ có Khu du lịch sinh thái hồ Phú Ninh bước đầu khai thác được các sản phẩm tương đối đa dạng, còn lại một diện tích rộng lớn vẫn chưa thể thu hút các nhà đầu tư khác.

Tương tự, trên địa bàn tỉnh, còn rất nhiều hồ, đầm, phá khác có tiềm năng lớn để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tuy nhiên đến nay vẫn còn khá manh mún. Các nhóm khách chủ yếu khám phá theo kiểu “phượt” với mỗi năm chỉ vài trăm đến vài nghìn lượt khách, ít mang lại giá trị gia tăng cho ngành du lịch và cộng đồng. Có thể kể ra các điểm đến như Hố Chình, Hóc Lách (Đại Lộc), hồ Việt An (Hiệp Đức), Hố Quờn (Tiên Phước), hồ Mùa Thu (Phước Sơn)… 

Chuỗi lòng hồ thủy điện ở nhiều huyện miền núi trên địa bàn tỉnh như A Vương, Sông Côn, Sông Tranh 2… có khí hậu quanh năm mát mẻ, tính đa dạng sinh học cao, đan xen giữa các khu vực này là những thung lũng, sông suối hữu tình cùng các bản làng với đậm nét văn hóa đại ngàn. Quảng Nam từng tổ chức hội nghị chuyên đề về phát triển kinh tế lòng hồ và du lịch cũng được đề cập tại đây như một lối mở để cải thiện sinh kế cho đồng bào vùng cao.

Tại hội thảo tái cơ cấu thị trường du lịch Quảng Nam diễn ra vào tháng 6.2020, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho hay, Quảng Nam có hệ thống sông hồ chứa đựng tiềm năng khai thác du lịch rất lớn, nhất là phía thượng nguồn. Thế nhưng vấn đề này đến nay vẫn còn bỏ ngỏ vì e ngại tác động tiêu cực của hoạt động du lịch đến hệ sinh thái tự nhiên - xã hội. Việc đưa vào sản phẩm du lịch trải nghiệm tuần tra bảo vệ rừng ở vườn quốc gia Sông Thanh cũng hàm ý về chủ trương mở rộng không gian du lịch, doanh nghiệp phải mạnh dạn kết nối, nếu tổ chức được các chương trình tương tự như vậy tỉnh sẽ đồng hành với các đơn vị làm du lịch để phát triển loại hình sản phẩm mới này.  

Nguyên liệu phát triển du lịch xanh

Theo đề án phát triển du lịch một số huyện, thành phố phía nam của tỉnh giai đoạn 2019 - 2025 thì định hướng giai đoạn 2022 - 2025 sẽ tiếp tục đầu tư, hoàn thiện các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, ven biển, ven sông, hồ; đầu tư phát triển cảng biển, cầu tàu du lịch ở các bến sông, khơi thông sông Trường Giang kết nối phát triển du lịch đường sông theo tuyến bắc nam của tỉnh.

Theo ông Nguyễn Thanh Tâm - Giám đốc điều hành Công ty CP TM-DV Tâm Group, đơn vị đã tổ chức được một số sản phẩm khám phá sông nước ở khu vực phía nam và vẫn đang ấp ủ mong muốn kết nối liên tuyến với nhiều điểm đến miền núi phía tây nam, trong đó bao gồm cả khai thác du lịch sức khỏe, du lịch dược liệu.

Với mục tiêu theo đuổi du lịch xanh, mạng lưới hồ, đầm, phá chính là nguồn nguyên liệu chất lượng để tạo ra hệ thống sản phẩm du lịch bền vững bởi không ít những con nước trong số này chính là mạch nguồn kết nối các điểm đến, vùng đất với nhau đồng thời chính nó cũng bồi tụ, mang trong mình câu chuyện đặc sắc phù hợp để du khách trải nghiệm.

Đơn cử như Ao Vuông, một không gian xanh mát kế bên di tích Phật viện Đồng Dương (huyện Thăng Bình) chứa đựng giai thoại huyền bí về văn hóa Chăm bao năm vẫn trầm mặc soi bóng chân tháp chưa được đánh thức.

Một lợi thế không nhỏ để phát huy giá trị các chủ thể này chính là việc nhiều hồ, đầm phá nằm kế cận với các điểm đến du lịch đã định vị được thương hiệu, đây là cơ hội tốt kích hoạt các sản phẩm mới trên nền tảng nguồn khách sẵn có. Có thể kể đến đầm Trà Quế - làng rau Trà Quế, hồ Lai Nghi - làng gốm Thanh Hà, hồ Đá Vách - làng cổ Lộc Yên, đập Thạch Bàn - Khu đền tháp Mỹ Sơn…

Ông Nguyễn Công Khiết - Phó Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn cho biết, thời gian tới Mỹ Sơn sẽ chú trọng đầu tư phát triển du lịch đường thủy, nhất là từ Khe Thẻ nối ra đập Thạch Bàn để đa dạng hóa cách tiếp cận, phát triển di sản này.

Hà Sấu

Báo Quảng Nam