Dương Kinh – Dấu ấn của Vương triều nhà Mạc
Cập nhật: 01/10/2010
Hướng tới kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, trong khuôn khổ Tuần lễ Văn hóa, Thể Thao, Du lịch Hải Phòng lần thứ nhất năm 2010 (từ 27/9 đến 02/10/2010), thành phố Hải Phòng đã có nhiều việc làm thiết thực góp phần thay đổi diện mạo du lịch của địa phương. Khu tưởng niệm Vương triều nhà Mạc cũng được xếp vào Danh mục các công trình hoàn thành hướng tới kỷ niệm Đại lễ của dân tộc.

Theo quyết định của UBND thành phố Hải Phòng (được công bố vào ngày 19/5/2009), khu vực quy hoạch Khu tưởng niệm Vương triều nhà Mạc rộng 10,5 ha, tại thôn Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng. Đây sẽ là công trình văn hóa lịch sử bền vững, được xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại với 30 hạng mục, trong đó có nhà truyền thống, nghi môn, thiên long tỉnh, nhà che bia, bái đường, chính điện, thái miếu, khu dịch vụ, hệ thống cây xanh, đường giao thông, điện, nước..., bảo đảm vệ sinh môi trường. Tại khu quy hoạch và chung quanh hiện còn nhiều di tích khảo cổ, kiến trúc, địa danh gợi nhớ vùng đất Dương Kinh xưa được lưu giữ như khu Giếng Bò được truyền tụng là đất rốn rồng - nơi dựng nhà ở của thân phụ vua.

Sau hơn một năm triển khai thi công xây dựng, sáng ngày 28/9/2010 tại xã Ngũ Đoan, UBND huyện Kiến Thụy long trọng tổ chức Lễ khánh thành giai đoạn 1 công trình Nhà chính điện tại Khu tưởng niệm Vương triều Nhà Mạc. Tham dự buổi lễ có đồng chí Hoàng Văn Kể - Phó Chủ tịch UBND thành phố; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố, đại diện con cháu dòng họ Mạc và đông đảo bà con nhân dân địa phương.

 

Với diện tích 378,36 m², công trình nhà Chính điện gồm: tòa nhà 4 mái gồm 7 gian, 2 chái, 6 hàng chân cột. Trong chính điện có 5 pho tượng được dát vàng, mỗi pho tượng nặng 2,6kg, ngoài ra tại đây còn trưng bày thanh long đao của vua Mạc Đăng Dung. Hệ thống cột bao đều bằng gỗ lim, tạo hình theo quy cách truyền thống. Phần mái nhà chính điện lợp ngói mũi hài phục chế, ngói chiếu có hoa văn chữ thọ, các nóc bờ chảy đều đắp lưỡng long chầu nguyệt và các con giống, hoa, lá theo chuẩn mực cổ. Tổng mức đầu tư kinh phí giai đoạn một là trên 55 tỷ đồng, trong đó nguồn kinh phí của nhà nước cấp là 20 tỷ, còn lại là nguồn vốn xã hội hóa. Cho đến thời điểm này, trên diện tích 2,5 ha, Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc đã hình thành tất cả các hạng mục thành một quần thể di tích quy mô lớn hài hòa tạo điểm nhấn mới trên vùng đất Dương Kinh xưa.

 

Thông tin thêm về Vương triều nhà Mạc và vùng đất Dương Kinh:

Tại Hội thảo “Vương triều Mạc trong lịch sử Việt Nam” tổ chức tại Hà Nội ngày 21/9/2010, các nhà khoa học đã cung cấp nhiều thông tin quý giá giúp tái hiện diện mạo của vùng đất Dương Kinh mà trung tâm là thôn Cổ Trai.

Sau khi lên ngôi, Mạc Đăng Dung chỉ làm vua 3 năm rồi nhường ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh, còn mình về quê hương Cổ Trai làm Thái Thượng Hoàng và cho xây dựng kinh đô thứ hai là Dương Kinh. Trong nhiều đợt khảo cổ gần đây, tại khu vực thôn Cổ Trai xuất lộ những di vật thời Mạc như thành luỹ, hệ thống hào nước, gốm sứ hoa màu lam, đồ sành, đồ đá, đất nung với những nét hoa văn mang phong cách nghệ thuật điển hình của thế kỷ 16. Ở đây, tại chùa Phúc Linh vẫn còn lại những thành bậc đá kích thước lớn, trang trí cầu kỳ, bố cục tương tự các thành bậc ở điện Lam Kinh và Kính Thiên thời Lê Sơ. Điêu khắc đá thời Mạc tại Dương Kinh có nhiều đề tài chưa từng được thấy tại các nơi khác như tượng Nghê đồng, Quan Âm tọa sơn,  Quan Âm Nam Hải, Quan Âm nghìn tay nghìn mắt và bộ tượng Tam Thế.

Theo sử sách, nhằm thực hiện chính sách cải cách kinh tế nông nghiệp, mở mang công thương nghiệp, sản xuất hàng hoá, xây dựng nền kinh tế hướng ra biển, ngoài kinh thành Thăng Long, Mạc Đăng Dung còn tạo dựng sự sầm uất ở Cổ Trai quê hương ông và Dương Kinh, kinh đô thứ hai có vị thế gần biển, sông với nhiều ngả nối liền phố Hiến, Thăng Long, Hội An nhộn nhịp. Để Dương Kinh trở thành đô thị ven biển xứ Đông, nhà Mạc cho xây dựng một số thương cảng trên bến, dưới thuyền làm nơi giao lưu hàng hoá trong và ngoài nước, từng bước đưa Dương Kinh xưa trở thành đô thị đầu tiên của Hải Phòng, đô thị ven biển đầu tiên của người Việt.

 

Trong lịch sử các vương triều phong kiến nước ta, vương triều Mạc tồn tại không dài nhưng đã có những đóng góp tích cực vào tiến trình phát triển lịch sử dân tộc trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, đặc biệt là đối với sự phát triển nền kinh tế thương mại và nghệ thuật tạo hình phong cách Mạc. Khu tưởng niệm Vương triều nhà Mạc sẽ là địa chỉ văn hóa tâm linh, giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ, là điểm nhấn về văn hóa du lịch của huyện Kiến Thụy nói riêng và của thành phố nói chung.

                                                                                     Phạm Phương (TH)

Trung tâm Thông tin Du lịch